Tính giao thời của bài thơ "Hầu trời"- Văn mẫu lớp 11 - Viết bài tập làm văn lớp 11- Những bài văn hay lớp 11
I. DẪN NHẬP Những năm bản lề giữa hai thế kỷ XIX và XX cũng là những năm bản lề giữa hai thời kỳ văn học. Trong đời sống văn học, dòng văn học chính thống tiêu biểu cho văn chương nhà Nho dần bước vào giai đoạn kết thúc. Ở những năm 1900 – 1930 trong văn học Việt Nam liên tiếp xảy ra nhiều hiện tượng chuyển hóa và đồng thời xuất hiện những sự kiện văn học có tiếng vang lớn về nghệ thuật, tư tưởng có ý nghĩa cắm mốc báo hiệu sự chuyển hướng trong văn học. Tuy nhiên đó chỉ là những bước chuyển nhẹ nhàng, là sự manh nha xong chưa đủ để hình thành nền văn học hiện đại.Nhưng có thể nói đó là giai đoạn quan trọng có tính chất giao thời, chuẩn bị cho cuộc lột xác trên mọi phương diện của văn học để hình thành nên giai văn học hiện đại về sau.Và tính giao thời đã trở thành một đặc trưng góp phần làm nên sự đặc biệt cho cả giai đoạn văn học Việt Nam từ 1900 – 1930. II.NỘI DUNG LÝ THUYẾT 1. Những tiền đề dẫn tới sự xuất hiện của tính giao thời trong giai đoạn 1900 -1930 1.1- Tình hình chính trị. Ðầu thế kỉ XX Pháp cơ bản đã thực hiện xong công cuộc bình định trên đất nước ta và chuyển sang khai thác thuộc địa, xây dựng trật tự mới. Đây là những ngày tháng đau thương, bi đát nhất của lịch sử. Thôn xóm, làng mạc Việt Nam tiêu điều xơ xác do kẻ thù tàn phá, nhân dân phải xiêu tán lưu lạc khắp nơi. Trong khi đó cột sống của chế độ phong kiến cũng bị sụp đổ. Hàng ngũ giai cấp thống trị tan rã. Cả bộ máy thống trị của nhà nước phong kiến từ triều đình đến tỉnh, huyện, làng, xã đều trở thành tay sai cho bọn xâm lược. Mọi quyền hành đều nằm trong tay Pháp. Tầng lớp trí thức thời phong kiến lúc bấy giờ cũng lâm vào tình trạng sống dở, chết dở.Trong bối cảnh chính trị phức tạp và đen tối như thế, thanh niên Việt Nam cảm thấy bi quan tuyệt vọng vô cùng. Họ cũng hết sức chán nản lối học cũ, bởi vì ai cũng nhận ra một điều rõ ràng thời cuộc đã không còn ưu ái họ, những tư tưởng kiến thức xưa đã không còn phù hợp nữa.Họ quyết định bỏ lối học từ chương, đi tìm đến những tri thức hiện đại mà họ biết được qua sách vở và báo chí nước ngoài được bí mật đưa vào Việt nam lúc này. 1.2-Tình hình xã hội. Xã hội nước ta trước khi Pháp xâm lược là một xã hội phong kiến phương Ðông.Khi có mặt thực dân Pháp trên đất nước ta thì mọi cái đã thay đổi.Kinh tế hàng hoá kích thích sự phát triển của công thương nghiệp làm cho thành thị phát triển, làm xuất hiện nhiều nhu cầu mới, phát triển nhiều nghề mới, tầng lớp giai cấp mới.Nhìn chung, xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX có nhiều biến động. Cơ cấu xã hội thay đổi hoàn toàn và điều đó là tất yếu dẫn tới sự thay đổi của nhiều lĩnh vực khác trong đó có văn học. 1. 3-Tư tưởng, văn hoá xã hội lúc bấy giờ a) Tư tưởng xã hội. Xã hội Việt Nam trước khi Pháp xâm lược là một xã hội phong kiến chuyên chế tập quyền cao độ.Ðến khi có sự hiện diện của thực dân Pháp, tình hình chính trị xã hội đã có nhiều biến đổi.Ðến đầu thế kỉ XX , giai cấp phong kiến đã tỏ ra bạc nhược, ươn hèn, cúi đầu làm tay sai cho giặc. Hàng ngũ giai cấp thống trị tan rã hoàn toàn. Ý thức phong kiến cũng ngày càng thể hiện tính chất lạc hậu, cổ hủ.Với cách nhìn của các nhà Nho tiến bộ thời này, nó là sức mạnh cản trở sự phát triển của xã hội. Cho nên, các nhà chí sĩ Ðông Kinh Nghia Thục đã chủ trương chống lại tư tưởng phục cổ, sùng bái cổ nhân, giáo điều, có tác hại kìm hãm sự phát triển của trí tuệ. Họ chủ trương làm cho con người phải từ bỏ tư tưởng sống định mệnh, trở nên can đảm, làm chủ cuộc đời mình, có khả năng hiểu biết vũ trụ, phất cao ngọn cờ khoa học. Lúc này giai cấp tư sản đã ra đời, tư tưởng tư sản cũng xuất hiện.Nó được đưa từ nước ngoài vào, thông qua các sĩ phu tiến bộ. Ý thức tư sản còn giới hạn trong phạm vi các thành thị và tỏ ra còn nhiều yếu ớt.Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của ý thức hệ tư sản Việt Nam đối với sự phát triển của văn học, cũng cần phải lưu ý rằng: Mặc dù giai cấp tư sản Việt Nam ở giai đoạn này, bản chất là ốm yếu, phát triển què quặt nhưng đó là sự ốm yếu, què quặt về kinh tế, chính trị, văn hoá. Ðối với công cuộc hiện đại hoá văn chương Việt Nam, ý thức hệ tư sản đã có một vai trò xúc tác tích cực. b) Đời sống văn hóa tinh thần. Nhìn chung, nền văn hoá Việt Nam được thai nghén và trưởng thành trong cái nôi văn hoá Ðông Nam Á. Tư tưởng phương Ðông đã ăn sâu vào phong tục, tập quán và tâm khảm của con người. Thế mà đến đầu thế kỉ XX, sự du nhập của văn hoá phương Tây vào Việt Nam đã làm thay đổi những giá trị cổ truyền của dân tộc. Văn hoá Việt Nam chuyển dần sang nền văn hoá hiện đại chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Tây. Lúc này chữ quốc ngữ đã đi vào đời sống và được sử dụng.Việc đổi mới chữ viết đã mang nhiều ý nghĩa lớn, nó không chỉ tạo điều kiện dễ dàng trong việc học, viết, đọc mà còn cung cấp phương tiện hiện đại cho nền văn học mới. Trong văn học phổ biến sử dụng chữ quốc ngữ cũng góp phần thúc đẩy việc xây dựng và phát triển nền văn xuôi Việt Nam. Ở giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX đã có xuất hiện những sáng tác văn xuôi bằng chữ quốc ngữ của Trương Vĩnh Kí và Huỳnh Tịnh Của. Nhưng đây chỉ là những mò mẫm ban đầu, những thí nghiệm lẻ loi chưa có tính chất phổ biến. Sang đầu thế kỉ XX, văn xuôi Việt Nam mới thể hiện những tiến bộ rõ rệt. Bên cạnh đó, do có sự tiếp xúc với văn học phương Tây mà nền văn học Việt Nam giai đoạn này đã xuất hiện thể loại mới. Chất văn xuôi, tính cách cá nhân phương Tây còn ảnh hưởng đến cả lĩnh vực sáng tác lâu đời trong văn học Việt Nam, đặc biệt là thơ. Thơ Tản Ðà, thơ Trần Tuấn Khải…trong giai đoạn này đã mang những giai điệu mới. Ðầu thế kỉ XX, công tác dịch thuật, biên khảo, nghiên cứu phê bình văn học bắt đầu phát triển mạnh theo một chiều hướng tiến bộ đã để lại nhiều công trình đáng trân trọng làm cho văn học Việt Nam tiếp xúc rộng rãi với văn học thế giới, giới thiệu với công chúng Việt Nam nhiều thể loại mới, làm phong phú vốn từ ngữ và trau dồi câu văn Việt Nam. Nội dung tư tưởng của văn học giai đoạn này (trừ văn học nô dịch) nổi bật ba xu hướng là: Xu hướng yêu nước, xu hướng lãng mạn, xu hướng hiện thực. Xu hướng văn học yêu nước có sự thăng trầm theo diễn biến của các phong trào Cách mạng. Xu hướng hiện thực mới được manh nha trong giai đoạn này qua một số tác phẩm của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Hồ Biểu Chánh, Vũ Ðình Long... Các tác giả đã phanh phui những xấu xa của xã hội thực dân nửa phong kiến, phơi bày cảnh khổ của nhân dân.Xu hướng lãng mạn được khơi nguồn từ các tác phẩm của Ðông Hồ, Tản Ðà, Hoàng Ngọc Phách. Văn chương hiện thực và lãng mạn giai đoạn này như khúc nhạc dạo đầu chuẩn bị cho buổi hoà tấu sẽ được diễn ra vào giai đoạn 1930 - 1945. Vào thập niên thứ ba của thế kỷ đã xuất hiện các sáng tác của Nguyễn Ái Quốc được gởi từ nước ngoài về như: Con rồng tre, Nhật kí chìm tàu, Bản án chế độthực dân Pháp, Ðường Cách mạng ... Nguyễn Ái Quốc đã khai sinh cho dòng văn học của giai cấp vô sản của nước ta. Sự thay đổi của tình hình đất nước đã kéo theo sự thay đổi của tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn học. Ảnh hưởng của các xu hướng các tư tưởng văn hóa nước ngoài như cơn gió mát đem tới hơi thở mới cho văn học, để văn học thức tỉnh và có những bước chuyển. Giai đoạn quá độ để văn học chuyển sang trang mới, trang văn học hiện đại là giai đoạn dặc biệt của tiến trình văn học hay chúng ta thường gọi là giai đoạn giao thời. 2.Tính giao thời – nét đặc trưng trên tiến trình hiện đại hóa văn học 2.1-Khái niệm về tính giao thời trong văn học. Nói đến văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX là người ta nghĩ ngay tới tính giao. Theo Trần Đình Hượu và Lê Trí Dũng nói về tính giao thời trong văn học như sau: “ Văn học của cả giai đoạn 1900 – 1930 có tính giao thời. Tính giao thời đó được biểu hiện ở sự tồn tại song song hai nền văn học cũ và mới với hai lực lượng sáng tác, hai công chúng với hai quan niệm văn học, hai ngôn ngữ văn học ở hai địa bàn khác nhau, ở xu thế thắng lợi của nền văn học mới đang tiến tới thay thế nền văn học cũ đang suy yếu dần. Ở giai đoạn giao thời này, nền văn học cũ tuy đã trên đà suy tàn nhưng vẫn giữ một vị trí đáng kể, vẫn còn một tác dụng tích cực nhất định trong sự phát triển của văn học dân tộc”.Tóm lại giao thời là một thời kỳ phức tạp trong lịch sử văn học, thời kỳ đầy thách thức chỉ cho phép tiến chứ không thể lùi. 2.2.Biểu hiện của tính giao thời trong văn học giai đoạn 1900 – 1930. 3.1-Lực lượng sáng tác. Trong thời kỳ trung đại, nền văn học của ta có sự hiện diện của cả hai lực lượng sáng tác: Lực lượng nhà nho và lực lượng nông dân. Mỗi bên có công chúng, đề tài, đời sống, phương thức truyền đạt riêng, lý tưởng thẩm mĩ và các thể loại thường dùng cũng khác nhau. Lực lượng sáng tác của văn học viết thời trung đại chủ yếu là nhà Nho, những trí thức phong kiến. Nhà Nho thời phong kiến có một địa vị đặc biệt trong xã hội.Họ bước vào đời với hoài bão "phải có danh gì với núi sông". Họ học thật chăm chỉ để thi đỗ đạt, mong tìm chút danh phận rồi từ đó đem sức lực cống hiến cho đời (dĩ nhiên đó là những nhà Nho chân chính) nhưng khi xã hội phong kiến suy vi, nhà Nho lại bất bình chán nản. Lúc ấy họ tâm đắc với giáo điều của Lão - Trang.Họ thường tìm đến cuộc sống ẩn dật.Có thể thấy một điều đặc biệt ở nhà Nho là họ thường hay băn khoăn về vấn đề xuất xử và ở vào những giai đoạn xã hội phong kiến suy vong thì lối sống ẩn dật là lối sống phổ biến của những nhà Nho có khí tiết. Thời kỳ ẩn dật cũng là thời kỳ nhà Nho sáng tác nhiều nhất.Ðầu thế kỷ XX, giai đoạn lịch sử đầy biến động, có sự chi phối mạnh mẽ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, của văn học phương Tây, lực lượng nhà nho không tách rời sự phân hóa. Có những nhà Nho vì yêu nước thương dân, không cam tâm làm nô lệ đã tiếp tục đứng lên chống Pháp (Phan Bội Châu, Ngô Ðức Kế, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng...) họ được tiếp nhận và phát triển luồng tư tưởng cách mạng từ châu Âu đưa đến. Họ vừa họat động chính trị vừa sáng tác văn chương. Buổi đầu khi phong trào cách mạng lên cao, các nhà Nho có nhu cầu đưa những vấn đề mới của xã hội vào văn học nên họ sáng tác say sưa. Bằng những cách tân nghệ thuật họ nhiệt tình thể hiện những vấn đề mới của xã hội, cuộc sống và con người.Tác phẩm của họ thường phong phú về số lượng, đa dạng về đề tài và có những tác động mạnh mẽ đối với xã hội, làm "dậy sóng" phong trào yêu nước lúc bấy giờ.Ý thức hệ phong kiến không còn chi phối tư tưởng của họ một cách nặng nề như trước nữa.Họ không còn muốn nói đến đạo lý thánh hiền và cũng chẳng hề gò câu đẽo chữ để tạo sự bóng bẩy cho bài thơ, bài văn. Họ chỉ hướng đến một mục đích duy nhất : giải phóng đất nước, xây dựng quốc gia hùng cường.Văn chương của họ lúc này trở về với đặc điểm văn chương ở thế kỷ trước. Nói chung, lực lượng nhà Nho tiến bộ này tuy đã được tắm gội trong các phong trào cách mạng tư sản, được hít thở không khí hiện đại từ các sách tân thư, tân văn nhưng cái cốt cách nhà Nho của họ không thể nào biến dạng được.Bên cạnh những nhà Nho cấp tiến ấy, một số nhà Nho khác "vẫn tự hào về thơ phú, chữ nghĩa đạo lý thánh hiền, vẫn làm thơ phú". Nhưng xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đang trên con đường tư sản hóa không dành chỗ cho cuộc sống ẩn dật của nhà Nho bất đắc chí cho nên hình tượng người ẩn sĩ cũng mất dần trong văn học.Vào giai đoạn này có xuất hiện một số trường hợp nhà Nho rời nông thôn ra thành phố sinh sống bằng nghề viết văn.Sống ở thành thị, giữa những người dân thành thị dần dần bản thân họ cũng bị thành thị hóa.Họ dùng những thể thức văn học cũ để gởi gắm những cảm xúc cá nhân, những cảnh vật và không khí thành thị. Họ đã khai thác tất cả những kinh nghiệm sáng tác trong văn học dân gian và các truyện nôm của các nhà nho tài tử trước kia. Họ là những người có đóng góp đáng kể cho tiến trình hiện đại hóa văn chương Việt Nam.Ðến đầu thế kỉ XX, nhà Nho không còn là lực lượng sáng tác chính. Bên cạnh họ đã có xuất hiện một lực lượng sáng tác mới. Ðó là lực lượng trí thức tân học.Ðây là những người vừa mới được đào tạo từ các trường Pháp - Việt.Phần lớn trong số họ bắt đầu từ công việc làm báo, có những nhà cựu học viết bằng chữ Hán. Dần dần, theo con đường dịch thuật, phỏng tác... họ chuyển từ viết báo sang viết truyện ngắn, kịch, nhanh chóng đáp ứng được đòi hỏi của công chúng thành thị. Họ khác với các nhà Nho cấp tiến, chú trọng đến văn hóa hơn là chính trị. Nhìn chung, họ là những người mạnh dạn đến với cái mới. Tuy nhiên ở họ không tránh khỏi những dằn dặt, trăn trở khi chọn cho mình một hướng đi để phù hợp với sự phát triển của thời đại. Họ đến với cái mới vì ước nguyện dung hòa hai nền văn hóa Âu - Á. 3.2- Quan niệm sáng tác. Quan niệm sáng tác của văn học trung đại là quan niệm của nhà Nho, chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, đến giai đoạn này người sáng tác không theo duy nhất một quan niệm như trước nữa."Văn dĩ tải đạo", "Thi ngôn chí" đó là quan niệm chủ yếu và phổ biến của nhà Nho trong thời kỳ trung đại.Quan niệm đó vẫn tồn tại trong giai đoạn 1900 - 1930. Phan Bội Châu, một người có nhiều tư tưởng tiến bộ nhưng vẫn vướng víu với quan niệm cổ hủ này, khi cho rằng sáng tác văn chương là để "lập công" "lập chí", "lập ngôn". Tản Ðà, người đã mạnh dạn cách tân phương pháp sáng tác cũ, tiến hành một cuộc cách mạng trong nghệ thuật thơ ca nhưng vẫn có tư tưởng phân biệt loại văn "vị đời" và "văn chơi". Vào giai đoạn này đã xuất hiện quan niệm sáng tác mới, thể hiện ở nhiều phương diện. Quan niệm văn học phục vụ chính trị , chính vì ý thức được văn học phục vụ chính trịsáng tác văn chương nhằm tuyên truyền vận động cứu nước đã khiến nhà văn phải quan tâm đến đối tượng công chúng là toàn thể nhân dân, trong đó có cả quần chúng lao động. Người sáng tác phải tìm mọi cách để lưu truyền phổ biến tác phẩm của mình. Cho nên văn học không còn tính chất bình kín trong một nhóm người nhỏ hẹp, mà nó đã được công bố rộng rãi bằng nhiều hình thức. Giờ đây người ta tìm cách in ấn và sử dụng in ấn để xuất bản tác phẩm văn học. Khi đã có xuất bản thì văn chương không còn là của riêng ai hay của một giai cấp nào, mà được xem là những giá trị văn hóa của toàn xã hội.Quan niệm về thể loại cũng khác trước, tiểu thuyết và kịch được công nhận là một thể loại văn học, không còn bị khinh rẻ.Nho sĩ ngày trước chuộng thơ, gởi gắm tâm hồn của mình trong thơ, bộc bạch tâm sự chí khí bằng thơ. Họ nhận thấy văn xuôi có nhiều khả năng phản ánh chân thật, cụ thể đa dạng cuộc sống tư sản hóa đầy những cảnh đời phức tạp, bon chen. Ðối với các nhà Nho, vấn đề mô tả hiện thực cuộc sống không phải là điều mà họ quan tâm đến.Ngược lại các tư tưởng của nền văn học mới để hết tâm sức vào vấn đề phản ánh hiện thực. Mặc dù vấn đề phản ánh hiện thực khách quan trong văn học ở giai đoạn này còn bị chi phối bởi quan niệm đạo đức nhưng vẫn thể hiện được sự nâng cao vai trò nhận thức của văn học đối với cuộc sống ở họ so với trước. Văn học trung đại sùng cổ nhân, trọng quá khứ, nhân vật lý tưởng của nó là những trang tài tử giai nhân hoặc anh hùng cái thế. Nhưng nhân vật của văn học mới là những con người rất bình thường, bao gồm đủ mọi thành phần trong xã hội. Nói chung nhân vật trong văn học mới rất đa dạng, vượt khỏi khuôn khổ chật hẹp của văn học phong kiến. Chính thái độ tư tưởng thẩm mĩ mới của các nhà văn đối với cuộc sống và con người trong giai đoạn này đã dẫn đến sự hình thành chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn trong giai đoạn sau. Ðây cũng là một giai đoạn xuất hiện quan niệm mới, xem việc sáng tác văn chương là một nghề kiếm sống, "nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng" (Tản Ðà). Nhìn chung, sự phân hóa trong quan niệm sáng tác "tìm thấy trong toàn bộ đời sống của nền văn học mới, trong loại tác giả này và loại tác giả khác, tuy cùng thời nhưng khác nhau về quan điểm tư tưởng - thẩm mĩ, về nguồn gốc xuất thân và học vấn, tài năng, tuy hai bình diện đối lập nhau của một thể thống nhất của một tác giả" và "đó là một quá trình lâu dài, chồng chéo lên nhau, giằng co, tranh chấp giữa cái cũ và cái mới". 3.3-Phương thức và ngôn ngữ sáng tác. Văn chương thời trung đại là sản phẩm của những cá nhân riêng lẽ nhưng vẫn mang một đặc trưng chung, bởi nó được tạo nên bằng một phương pháp sáng tác chung, thể hiện qua một số yếu tố : ngôn ngữ, thể loại, kết cấu, nhân vật... Ðầu thế kỉ XX, người sáng tác không còn tuân thủ theo một hệ thống phương pháp sáng tác duy nhất ấy nữa. Hoàn cảnh khách quan và nhân tố chủ quan đã đẩy người sáng tác đến sự lựa chọn khá gay go và phức tạp. Bám lấy phương pháp sáng tác cũ hay đi tìm phương pháp sáng tác mới. Tình hình đó đã tạo ra tình trạng phân hóa không thể tránh khỏi trong phương pháp sáng tác. Một số nhà nho đã chọn con đường cách tân nghệ thuật sáng tác của nhà Nho. Họ vẫn theo phương pháp sáng tác cũ nhưng có những đổi mới đáng kể. còn những người thuộc lực lượng trí thức tân học thì chọn con đường học theo phương Tây để sáng tác. Họ bắt đầu từ công việc dịch thuật, qua phỏng tác và cuối cùng là sáng tác những tác phẩm văn học bằng chữ quốc ngữ. Trong lịch sử văn học Việt Nam đây là giai đoạn duy nhất có hiện tượng đan xen hai yếu tố cũ và mới thể hiện trong sáng tác của một tác giả, có khi trong cùng một tác phẩm. Hai yếu tố cũ và mới được kết hợp nhuần nhuyễn và phổ biến trên khắp các thể loại tạo ra những giá trị đặc biệt, không thể xếp vào kho tàng văn học trung đại, mà cũng chưa thể công nhận đó là một tác phẩm của nền văn học hiện đại. 3.4- Đối tượng thưởng thức, tiếp nhận. Trong văn học trung đại xưa thì lực lượng sáng tác đồng thời cũng là những người thưởng thức. Nhà nho khi sáng tác không hề nghĩ đến công chúng và cũng không cần phải có công chúng. Người thưởng thức tác phẩm của họ là chính bản thân họ hay người tri kỷ của họ. Vào đầu thế kỷ XX, lực lượng sáng tác nhà Nho vẫn còn, văn thơ của nhà Nho vẫn hiện diện trên văn đàn. Công chúng say mê văn chương chữ Hán, chữ Nôm tất nhiên vẫn còn. Ðứng trước những đổi thay của thời cuộc, những con người này không muốn, có thể chưa muốn chạy theo cái mới khi mà trong suy nghĩ của họ vẫn còn quan niệm rằng những thứ đó do giặc ngoại xâm mang đến, những thứ đó là phi đạo đức, là trái với thánh hiền. Giữa lúc văn học của nhà Nho và lực lượng công chúng của nền văn học đó đang suy yếu dần thì một lực lượng công chúng mới bắt đầu xuất hiện. Công chúng mới (bao gồm nhiều loại người khác nhau, đang sống trong các đô thị thời đó, có các nhà Nho từ nông thôn ra có những người học vấn Tây học và cả những người không học vấn) không thấy hấp dẫn trước món ăn tinh thần của nhà Nho. Cuộc sống hiện đại là cuộc sống sôi động, gấp rút.Văn chương của nhà Nho không phù hợp với cuộc sống hiện đại.Thế là ở hai địa bàn khác nhau, nông thôn và thành thị có sự hiện hữu của hai loại công chúng khác nhau.Lớp công chúng cũ vẫn trung thành với nền văn chương cũ. Lớp công chúng mới, chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, của cuộc sống mới, có nhu cầu thị hiếu mới, đòi hỏi sự đổi mới của văn học; đặt ra cho người sáng tác nhiệm vụ phải thay đổi quan niệm sáng tác, phương pháp sáng tác nhằm tạo cho họ những món ăn tinh thần thú vị hơn, phù hợp với thời đại mới. Hai loại công chúng này mang trạng thái tâm lý khác nhau, sống trong hai điều kiện khác nhau, lại tồn tại song song trong xã hội thực dân nửa phong kiến đầu thế kỷ XX.Lớp công chúng mới ngày càng phát triển. Hơn nữa, khi lớp thanh niên lớn lên, nhiều người đi học chữ Pháp, được đào tạo theo nền giáo dục mới sẽ quên dần thứ chữ truyền thống của cha ông, văn chương truyền thống cũng trở thành xa lạ đối với họ. Bởi vì càng ngày người ta càng tỏ ra thích thú say mê nhiều hơn với những tác phẩm văn học phương Tây. Ðiều muốn nhấn mạnh ở đây là sự tồn tại song song của hai loại công chúng khác nhau, trong cái thế một bên đã ít nhưng chưa mất hẳn; một bên dù mới xuất hiện nhưng rất mạnh và có điều kiện để phát triển nhanh.Ðây là hiện tượng chỉ xảy ra trong văn học giai đoạn giao thời của lịch sử văn học Việt Nam. 3.5. Đề tài và cảm hứng sáng tác. Các sáng tác thời kỳ này triển khai cả hai loại đề tài cũ và mới. Nhiều tác phẩm còn hướng vào nội dung ca ngợi trung hiếu, tiết nghĩa( Đỉnh núi nhành mai của Nguyễn Tử Siêu, Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh…). Đề tài yêu nước, kêu gọi đấu tranh rất phổ biến.Những tác phẩm viết về xã hội với những mặt trái cũng được nói tới nhiều. Bên cạnh những đề tài quen thuộc ấy, thơ văn giai đoạn này dần đi vào khai thác những khía cạnh mới như số phận người nông dân, cuộc sống của tầng lớp tư sản thị dân thời kỳ tư sản hóa, tình yêu lãng mạn tự do phóng túng( Thơ của Tản Đà, tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách)…Hai loại đề tài cũ và mới đã làm nên sự đa dạng cho văn học đương thời đồng thời cũng làm nên sự chuyển biến mới trong văn học. 4.Tiểu kết. Vận động để phát triển đó là quy luật tất yếu của xã hội, cũng là của văn học.Cách tân, đổi mới nhằm đưa văn học phát triển nên tầm cao hơn là một việc cần thiết phải diễn ra để tạo bệ phóng cho những xu thế văn học hiện đại. Bắt nhịp với xu hướng mới đó, nhiều những văn nhân thi sĩ…đã có những cách nhìn nhận đổi mới trong các sáng tác văn chương của mình để khẳng định củng cố vững chắc vị trí của mình trên thi đàn văn học. Nổi tiếng trong số những con người có cái nhìn tân tiến ấy có thể kể tới Tản Đà. Bởi Tản Đà được coi như một ngôi sao sáng nổi bật nhất trên thi đàn lúc bấy giờ. Thơ ông là gạch nối của hai thời đại thi ca. Ông là người “dạo bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì đương sắp sửa ( Hoài Thanh ), “người báo tin xuân” cho phong trào thơ mới 1932 – 1945. Tìm hiểu các tác phẩm thơ của Tản Đà chúng ta sẽ thấy rõ những đặc trưng của văn học giai đoạn 1900 – 1930, mà cụ thể rõ nhất, nổi bật dễ thấy nhất là tính giao thời. III.TÌM HIỂU TÍNH GIAO THỜI QUA BÀI THƠ “ HẦU TRỜI” CỦA TẢN ĐÀ 1.Tản Đà một nhà văn của buổi giao thời. 1.1-Vài nét về tiểu sử của nhà thơ. Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1889 ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Quê ông nằm bên bờ sông Đà, chân núi Tản Viên. Vì vậy ông lấy tên sông ghép với tên núi để làm bút danh là Tản Đà. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng.Cha từng làm quan lớn.Mẹ ông là một cô đào có giọng hát ngọt ngào và nhan sắc trời phú.Gia đình ông là một gia đình nhà Nho tiêu biểu cho thái độ chính trị lúc bấy giờ. Ngay từ lúc nhỏ Tản Đà đã được tiếp xúc nhiều với tri thức và sách vở, ông từng ôm mộng theo con đường khoa bảng nhưng không thành. Từ đó ông dần chuyển sang làm báo viết văn. Ông là người đầu tiên ở nước ta sống bằng nghề viết văn xuất bản. Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước, xã hội có nhiều biến đổi nên Tản Đà sớm có nhiều những nhận thức về thời cuộc để lựa chọn những ngã rẽ cho riêng mình. Ông có ý tưởng cải cách xã hội theo con đường hợp pháp và ông muốn thực hiện điều đó, muốn dùng báo chí để làm phương tiện. Ông sống phóng túng, đã từng bầu rượu túi thơ đi dọc khắp đất nước và cuộc đời ông đã từng nếm đủ mùi vị của cay đắng vinh hạnh. Dù cuộc đời có những biến động, có nhiều những chặng sóng gió nhưng Tản Đà vẫn giữ được cốt cách và nhân phẩm trong sạch của một nhà Nho chân chính. Trên bầu trời văn học Việt Nam, Tản Đà là một ngôi sao lạ thường nằm riêng biệt không lẫn vào những vì tinh tú khác. Bởi cuộc đời ông là một tài năng khác thường nằm trong một số phận khác thường. 1.2-Sự nghiệp văn chương. Tản Đà xuất hiện trên văn đàn như một tài năng đa dạng. Ông viết tuồng, bút ký triết học, văn sách, luận… nhưng nổi bật nhất vẫn là tài năng làm văn và sáng tác thơ. So với văn học thời đó, tác phẩm của Tản Đà ở thể loại nào cũng mới lạ cả về nội dung, hình thức và thể loại.Nhưng đáng lưu ý hơn cả là thơ. Từ năm 1913 Tản Đà bắt đầu viết văn,làm thơ và đến năm 1915 thì ông bắt đầu công bố tác phẩm trên Đông Dương tạp chí.Sự nghiệp của Tản Đà khá phong phú và đồ sộ về khối lượng tác phẩm. Tác phẩm của ông gồm có cả thơ và văn xuôi. a-Thơ. Có các tập như: Khối tình con I, II, III ( xuất bản lần lượt vào các năm 1916, 1918, 1932 ), Còn chơi (năm 1921), thơ Tản Đà ( 1925). b-Văn xuôi. Văn xuôi có các tập như: Giấc mộng lớn( 1928 ), Giấc mộng con I, II ( năm 1916, 1932), Tản Đà văn tập ( 1932 )… Ngoài ra Tản Đà còn chú giải Truyện Kiều, dịch Kinh Thi, thơ Đường, Liêu Trai chí dị, và soạn một số vở tuồng như Tây Thi, Thiên Thai… 1.3–Vị trí và ảnh hưởng của Tản Đà đối với các thế hệ trong văn học. Thời đại Tản Đà sống diễn ra bao nhiêu biến động trong sinh hoạt chính trị xã hội cùng bấy nhiêu biến động trong đời sống văn học. Khía cạnh nổi bật trong những chuyển động đó là những nỗ lực của nhiều thế hệ để đưa nội dung yêu nước và chủ nghĩa anh hùng dân tộc vào văn chương, để biến văn chương thành vũ khí cách mạng. Bên cạnh những yêu cầu cách mạng của thời đại lúc đó thì yêu cầu cách tân nhằm đổi mới văn học, yêu cầu hiện đại hóa về nội dung và hình thức cũng được đặt ra như một đòi hỏi khách quan của lịch sử.Yêu cầu này đã được khởi xướng thực hiện vào những năm 20 khi mà Tản Đà bước vào sự nghiệp văn chương.Ông đã xuất hiện đúng lúc để đón nhận và giải quyết yêu cầu này với ý thức tự nguyện và hết mình cho sự nghiệp. Tản Đà là nhà thơ của buổi giao thời hai thế kỷ, hơn nữa một người góp công chủ yếu cho một thời đại mới của thi ca. Vai trò của Tản Đà là đã nhận sứ mệnh tiên phong đưa văn thơ ra thị trường, chuyển văn học thành tiếng nói của số đông, đáp ứng nhu cầu của một lớp độc giả mới trong trí thức và trong đời sống thành thị. Tản Đà đã làm giàu cho thơ ca dân tộc về mặt nội dung và hình thức, chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới. Ông là người phá vỡ cấu trúc của thơ ca truyền thống để cho nguồn cảm xúc tự do tuôn trào bất chấp cả vần luật âm điệu. Tản Đà là người khơi nguồn cho khuynh hướng văn học lãng mạn.Nhiều nhà thơ cùng thời với ông như Trần Tuấn Khải, Đông Hồ…cũng lãng mạn nhưng nghiêng về cảm hứng yêu nước. Vì vậy so với những người đó Tản Đà có sự nổi bật hơn nhiều vì thơ ông có sự cách tân về cả nội dung và hình thức. Điều này đã chứng minh vì sao coi Tản Đà là nhà thơ trung gian giữa hai thời kỳ văn học. Hơn nữa ông lại là người mở đường cho văn học thời kỳ mới.Qua đó chúng ta thấy được vị trí quan trọng của Tản Đà hơn bất cứ ai khác. 2. Tính giao thời trong tác phẩm “ Hầu Trời của Tản Đà. 2.1-Tính giao thời thể hiện qua nội dung. Tản Đà được coi là người nằm vắt mình qua hai thế kỷ, là gạch nối giữa thơ mới và thơ cũ.Là người đặt nền móng cho thơ mới.Những đánh giá ấy đã xác nhận vị trí của Tản Đà một cách chính xác nhất trong nền văn học Việt Nam buổi giao thời. Ông là đại diện tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn này, giai đoạn văn học dân tộc có những bước chuyển mình, bắt đầu cho giai đoạn hiện đại hoá mau lẹ. Hầu trời là một bài thơ có rất nhiều điểm mới. Bài thơ thể hiện đậm nét cá tính sáng tác của Tản Đà. Mạch thơ được triển khai theo lôgíc một câu chuyện với các chi tiết cụ thể, rành mạch, khiến cho bài thơ hấp dẫn và có sức thuyết phục : nằm một mình, buồn nên dậy đun nước uống rồi ngâm văn, động đến Trời, tiên xuống hỏi rồi đưa lên gặp Trời, Trời cùng chư tiên đón tiếp long trọng, mời đọc thơ, giới thiệu về mình rồi đọc thơ và giãi bày cảnh ngộ cùng Trời, Trời giải thích, khen ngợi rồi cho đưa về trần giới. Nhà thơ đã chọn những cách rất độc đáo để thể hiện tâm sự của mình.Chuyện hầu Trời bằng tưởng tượng đã giúp nhà thơ khẳng định tài năng của bản thân và bộc lộ quan niệm mới mẻ của ông về nghề văn, đồng thời thể hiện ý thức của cái Tôi cá nhân đầy cá tính của mình.Đây là một chủ đề mới mẻ trong văn học giai đoạn này vì nó thể hiện được ý thức cá nhân tác giả ở trong đó. Tuy nhiên cách vào đề thì lại quen thuộc vì nó mang dáng dấp của văn học trung đại khi mà nhiều thi nhân cũng vào mộng để làm thơ. Đêm qua chẳng biết có hay không… Thật được lên tiên sướng lạ lùng. Lí do được Trời mời lên hầu cũng thật đời thường và dễ tin : Nằm buồn dậy đun nước uống, rồi ngâm thơ, chơi trăng. Và “Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà” đã làm Trời mất ngủ.Thế là được lên Trời.Cuộc hội kiến với Trời và chư tiên được kể lại chi tiết, hồn nhiên, nghe tự nhiên như thật. Tác giả đã chọn lối kể chuyện nôm na của dân gian để tái hiện câu chuyện hầu Trời.Nhà thơ tưởng tượng tình huống gặp Trời để giới thiệu về mình.Giới thiệu rõ, chính xác tên tuổi, quê hương, đất nước, nghề nghiệp, kể tên các tác phẩm của mình. Nhà thơ đã chọn tình huống độc đáo : gặp Trời, ngâm thơ cho Trời cùng chư tiên nghe, qua đó khẳng định tài năng của mình. Khẳng định một cách rất tự nhiên. Đương cơn đắc ý đọc đã thích Che trời nhấp giọng càng tốt hơi Văn dài hơi tốt ran cung mây. Sau khi giới thiệu các tác phẩm, có phân chia rõ ràng thành từng loại theo quan điểm của bản thân (văn thuyết lí, văn chơi, văn tiểu thuyết, văn vị đời và lối văn dịch) thì đưa ra nhận xét, cùng với những nhận xét của Trời “Văn đã giàu thay, lại lắm lối” (đa dạng về thể loại, giọng điệu). Nhà thơ lại còn mượn lời của Trời để khẳng định tài năng của bản thân. Văn đã giàu thay lại lăm lối Trời lại phê cho văn thật tuyệt Văn trần được thế chắc có ít. Đầm như mưa xa, lạnh như tuyết. Nhà thơ đã hiên ngang khẳng định cái Tôi của mình, gắn liền với tên tuổi thật của mình.Đó là thái độ ngông của người có tài và biết trân trọng, khẳng định tài năng của mình.Trong thời đại đất nước đang mất chủ quyền, Tản Đà tự giới thiệu như còn là biểu hiện của sự tự hào, tự tôn dân tộc. Hóm hỉnh hơn, nhà thơ còn khẳng định cả phong cách “ngông”của mình.Qua cuộc đối thoại tưởng tượng với Trời, nhà thơ còn khẳng định nghĩa vụ và trách nhiệm cao cả của mình nói riêng và của người nghệ sĩ nói chung là lo việc Tạo tình huống tưởng tượng này để an ủi mình, đồng thời cũng là để nói lên ý nghĩa cao quý của văn chương. Điều này chứng tỏ ý thức tiến bộ của tác giả về nghề văn.Cũng nhân đây, nhà thơ giãi bày tâm sự của mình về nghề văn. Được coi là người đặt nền móng cho thơ Mới, không chỉ bởi thơ ông mang hơi thở hiện đại của thời đại với cái Tôi cá nhân sừng sững giữa trang văn mà còn vì ông là nhà thơ đầu tiên “mang văn chương ra bán phố phường”, coi nghề văn là nghề kiếm sống. Với Hầu Trời, Tản Đà đã mang đến cho văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX một không khí mới. Dưới hình thức một bài thơ câu chuyện tưởng tượng vui và đầy hào hứng, nhà thơ đã khẳng định cái Tôi cá nhân của người nghệ sĩ. Nhà thơ vừa tự tin khẳng định tài năng của mình vừa nói lên quan điểm làm văn chương, đó là viết văn để phục vụ thiên lương.Trong sáng tác văn học, không phải ai cũng thể hiện được cái tôi của mình trên trang viết. Cái tôi gắn liền với cá tính sáng tạo của một người cầm bút. Điều đó đòi hỏi người viết phải thể hiện được cái riêng có giá trị thẩm mĩ cao, có khả năng đóng góp tích cực cho nền văn học chung.Tản Đà, nhắc đến thi nhân là nhắc đến "xê dịch, ngông và đa tình”.Ba yếu tố đủ để làm nên một cái tôi riêng trong làng thơ Việt Nam.Nhưng có lẽ, cái tôi độc đáo của nhà thơ đã thể hiện trong "Hầu Trời” là một cái tôi ngông rất lạ."Ngông” không phải chỉ định một kiểu ứng xử xã hội và nghệ thuật khác. Cái ngông ở đây được nói đến là ngông dựa trên khả năng mình có, nghĩa là chỉ những người tài năng, tự tin bởi cái tài của mình, tự tin để khẳng định nó với đời mới là cái ngông được người đời chấp nhận. Người ngông tạo cho mình những phong cách riêng, khác người nhưng để lại những ấn tượng sâu đậm.Chất ngông thương được thể hiện bởi các nhà văn, nhà thơ có ý thức cao độ về cái tài và cái tình.Với cái tài đó, họ mang ra phục vụ cho đời nhưng cũng là để "đóng dấu” hình ảnh của mình với thời gian. Họ có thể ngông bởi họ có tài, họ có cái để hãnh diện, để thách thức với cuộc đời, với người đời và cũng bởi trong cuộc sống, mỗi con người họ đã là một tính cách riêng, một sự phá cách không thể trộn lẫn với một người nào khác. Và cái ngông ấy trong "Hầu Trời” đã tạo ra cho nhà thơ một cái tôi độc đáo.Nhà thơ ý thức sâu sắc về tài năng của mình. Vì vậy tiếng ngâm thơ "vang cả sông Ngân Hà” khiến Trời mất ngủ là ở chỗ ấy.Chính vì tình yêu văn chương, ông mới tự tin sáng tác, chuyển tải những tư tưởng tình cảm mới mẻ vào trang thơ. Dường như với ông, hầu Trời là khoảnh khắc đẹp nhất. Vì thế ông mới đem cái tài của mình để thể hiện trước Trời cùng chư Tiên. Và lúc này quan niệm mới mẻ của ông được bộc lộ: sáng tác văn chương là một nghề. Dù không biểu hiện trực tiếp nhưng đằng sau các câu chữ ta vẫn thấy có một sự hình dung khác trước về hoạt động tinh thần đặc biệt này. Với Tản Đà, văn chương là một nghề kiếm sống mới, có người bán kẻ mua, có thị trường tiêu thụ và bản thân thị trường đó cũng hết sức phức tạp, không dễ chiều. Đặc biệt hơn dương như nhà thơ đã ý thức được sự cần thiết phải chuyên tâm với nghề văn, phải có vốn để theođuổi nó. Nhà thơ ý thức về nhân cách, một nhân cách vượt ra khỏi mọi sự ràng buộc về danh lợi. Nó đối lập với cái xã hội bất công vụ lợi, chạy theo đồng tiền và danh lợi thời bấy giờ. Cuối cùng nhà thơ vẫn muốn khẳng định, tự khen thơ mình. Thơ thi nhân chẳng những đẹp mà còn ẩn chứa những ý niệm cao siêu về cuộc đời, về thiên lương, nhân sinh thế giới quan… Tóm lại là tất cả những gì nhân loại cần có để vươn đến cái chân- thiện- mỹ. Thoát ra khỏi quan niệm "thi dĩ ngôn chí” , Tản Đà thực sự thăng hoa trong thế giới nghệ thuật, bộc lộ cảm xúc cái tự do cá nhân mới mẻ của riêng mình. Kế thừa nét ngông của truyền thống, song trong sự ngông của Tản Đà, người ta không thấy cái ngông đến mức lấy thú ăn chơi hưởng lạc có phần tiêu cực như một cách để đối lại với đời như Nguyễn Công Trứ. Và cũng không thấy cái ngông trong việc đi tìm một phong cách, một lối thể hiện riêng của người tôn thờ cái đẹp như Nguyễn Tuân. Cái ngông của Tàn Đà là cái ngông của một người chìm đắm trong mộng: mộng về cuộc đời, mộng về sự đổi thay, say để mộng, mộng để ngông với người đời. Nhưng có thể thấy rằng, họ gặp nhau ở một điểm cơ bản mà nếu như thiếu nó thì sẽ không thể "ngông” được đó là cái tài, cái tình và ý thức về cái tôi bản ngã của chính mình.Họ làm nên những phong cách nghệ thuật riêng độc đáo, nhưng ấn tượng đặc biệt, không thể nào phai trong lòng người đọc và không lẫn với cái ngông của nhà thơ nào khác. 2.2-Tính giao thời thể hiện qua hình thức – nghệ thuật. Bài thơ "Hầu Trời” đã kết tinh cái tôi của Tàn Đà.Nhưng không chỉ trên phương diện nội dung, những nét độc đáo và mới mẻ còn làm nên cái tôi trong nghệ thuật.Có lẽ "Hầu Trời” có vẻ quá dài nhưng chính điều đó lại tạo cho bài thơ giàu yếu tố tự sự. Hơn thế, nguyên tắc tôn trọng dòng chảy tự nhiên,sống động của cảm xúc cá nhân, cá thể của thơ cho phép nhà thơ thoát khỏi những ràng buộc quá khắt khe về hình thức để tự do vẫy vùng thể hiện tư tưởng tình cảm của mình. Thể thơ thất ngôn trường thiên được viết một cách phóng túng, tự do theo cá tính riêng của nhà thơ và không bị câu lệ bởi những ràng buộc của thi pháp văn học trước đó. Bên cạnh đó, "Hầu Trời” còn đáng chú ý với hiện tượng chia khổ, các khổ có độ dài khác nhau tạo nên cảm xúc tự do và nét mới trong thơ văn. Cách thể hiện của Tản Đà đã vượt ra khỏi quy phạm nội dung và nghệ thuật, muốn phá cách để thể hiện rõ cái tôi của ông.Sáng tạo độc đáo nữa của Tản Đà về mặt nghệ thuật là đã đưa ngôn ngữ đời thường nôm na, dễ hiểu, dung dị mà vẫn rất gợi cảm vào thơ ca. Ngôn ngữ thơ ở Hầu Trời đã có sự xâm nhập của giọng điệu văn xuôi và ngôn ngữ bình dân nhưng nhà thơ đã tinh tế hơn khi chọn lọc những từ trau chuốt để thể hiện làm cho những dòng thơ đầy chất trữ tình nhưng không ước lệ. Không quá gò mình vào vần luật nên mạch cảm xúc trong thơ của Tản Đà được phát triển rất tự nhiên và cái Tôi cá nhân đã thoả sức bộc lộ và thể hiện mình. Điểm độc đáo và thành công của bài thơ còn thể hiện ở chỗ tạo ra cái cớ là tình huống hầu Trời để tự khẳng định tài năng và quan niệm của mình. Tác giả khôn khéo chọn tình huống vậy để tạo cớ diễn đạt cho xuôi và tác giả vừa là người kể đồng thời cũng là nhân vật chính trong câu chuyện của mình. Đó là một kiểu ngông rất nghệ sĩ, vui vẻ và đáng yêu. Bài thơ cũng đã phác hoạ một chân dung thi sĩ Tản Đàvới phong cách ngông độc đáo, đó là cái ngông của một nhà nho tài tử ở thời kì mà ý thức cá nhân bắt đầu được trân trọng và khẳng định. 2.3-Tiểu kết Nét độc đáo trong cái tôi của Tản Đà là sự dung hòa nhiều yếu tố khác nhau. Tất cả tạo nên ở thi sĩ tính cách của một nhà Nho tài tử, đa tình, ngông và xê dịch. Cái cũ và mới, xưa và nay đan xen đưa Tàn Đà trở thành người nối kết hai thời đại thi ca, trở thành ngôi sao sáng với vẻ đẹp rất riêng trên bầu Trời văn học Việt Nam. Xác định tính giao thời trong sáng tác của Tản Đà mà ở đây cụ thể là trong bài thơ “Hầu trời” đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn về nội dung và tính chất giao thời của văn học giai đoạn 1900 – 1930. IV.KẾT LUẬN Trong số các thi nhân Việt Nam hiện đại và thuộc tầng lớp tiên phong cắm mốc cho phong trào thơ mới để lột bỏ cái xác thơ cũ.Tản Đà là nhà thơ diễn tả chính xác nhất tâm hồn Việt Nam.Ông là người căm mốc cho bước đi của thơ mới ra đời.Ông là người đầu tiên dám làm thi sĩ và coi văn chương là một nghề trong xã hội.Trong thi nhân Việt Nam Tản Đà đã được đặt vào một vị trí đặc biệt và xứng đáng.Một nhà thơ đàn anh chứng dám cho cuộc họp mặt của hội tao đàn lớp sau.Có thi sĩ Tản Đà chúng ta mới thấy một mạch thơ từ cuối thế kỷ XVIII đến phong trào thơ mới. Thơ Tản Đà thực sự đã thể hiện trọn vẹn tính chất giao thời về nội dung và nghệ thuật từ thơ ca trung đại đến thơ mới. Con ngưới sinh ra trong cõi đời này vốn chỉ là hạt cát bụi, hóa kiếp vào đời sống để rồi cũng trở về vời cát bụi. Được mất ở đời chỉ là hư vô. Tản Đà đến với chúng ta và sống trọn tình với sông núi quê hương đất nước và trọn tình hết mình với văn chương. Ông đã là người của một thời xa xưa mà giờ chỉ còn lại trong lòng người là những vang vọng. Người ta biết và nhớ tới ông qua những trang thơ như “ Hầu trời” và để qua đó nghĩ về ông như một vì tinh tú nằm vắt mình giữa hai giai đoạn văn học, người của buổi giao thời đáng nhớ.
Home » Văn Mẫu »
Văn Mẫu Lớp 11
» Tính giao thời của bài thơ "Hầu trời"- Văn mẫu lớp 11 - Viết bài tập làm văn lớp 11- Những bài văn hay lớp 11
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)