Em suy nghĩ như thế nào về học sinh hư hiện nay đối với giáo viên.
Trở thành con ngoan trò giỏi là niềm mong ước cuả tất cả học sinh đi học. Đó cũng là niềm mong mỏi của cha mẹ, thầy cô giáo đối với các em.Nhưng nhiều khi, do những biến đổi tâm lý dẫn đến những suy nghĩ và việc làm dại dột, các em bị coi là học sinh chưa ngoan. Mà ranh giới giữa học sinh hư và học sinh chưa ngoan lại rất gần. Vậy làm thế nào để giúp những học sinh chưa ngoan trở lại thành học sinh ngoan, ngăn chặn nguy cơ các em trở thành học sinh hư là điều băn khoăn của chúng ta, nhất là những người làm công tác giáo dục.
Theo từ điển, “hư” là biểu hiện của một sự vật hiện tượng sắp hỏng hoàn toàn không thể cứu vãn nổi. Hiểu theo cách đó, học sinh hư là những học sinh không thể có cách gì giáo dục được, là con người bỏ đi. Nếu ở mức độ vẫn có thể dùng các biện pháp giáo dục để cải tạo các em trở thành người tốt, được gọi là học sinh chưa ngoan. Trong nhà trường gọi những học sinh chưa ngoan ấy là học sinh cá biệt.
Trẻ em khi mới ra đời, tâm hồn như tờ giấy trắng. Nếu được sinh ra và lớn lên trong môi trường tốt thì sẽ trở thành con người tốt. Ngược lại, nếu được trưởng thành trong môi trường xấu rất dễ trở thành chưa ngoan và dẫn đến hư hỏng. Có những khi lớn lên trong gia đình đầy đủ vật chất nhưng trẻ vẫn dễ hư hỏng, có những em vật chất thiếu thốn nhưng cách giáo dục tốt sẽ trở thành con người tốt
Đối với học sinh chưa ngoan, do nguyên nhân chính là thiếu thốn tình cảm và sự gần gũi yêu thương cuả cha mẹ, người thân, nên biện pháp giáo dục chủ yếu là tâm lý. Rộng lòng tha thứ, tạo cơ hội để các em phấn đấu phục thiện là phương châm các nhà giáo dục nên thực hiện. Thầy cô cần giúp học sinh tìm lại được sự đồng cảm, khiến các em có thể tin tửơng mà dốc bầu tâm sự. Trước hết cần nắm vững hoàn cảnh các em, quan tâm đến những em có hoàn cảnh gia đình tương đối đặc biệt. Khi thấy các em có những biểu hiện bất thường về tâm lý như buồn chán, hay tách riêng một mình hoặc đột ngột nghỉ học không rõ lý do. Có những em bất ngờ ăn diện khác người ( Đặc biệt là các em nữ)… Giáo viên nên gần gũi hỏi han để nắm vững tình hình. Nếu chúng ta thực sự coi các em là bạn, hãy gợi mở để các em tin tưởng mà tâm tình và cùng tháo gỡ. Khi các em đã tin tưởng, tất sẽ có những hỏi han cần sự chỉ bảo, lúc này thầy cô nên khuyên bảo chân thành như những nhà tâm lý. Có bí mật gì của các em mà chúng không muốn nhiều người biết thì ta nên giữ kín đúng như lời hứa, tạo cơ hội cho các em phấn đấu. Bên cạnh đó, cần dõi theo sự tiến bộ cuả các em, ghi nhận những cố gắng của trò, khuyên nhủ động viên để khuyến khích các em tiếp tục rèn luyện mình hơn. Khen ngợi kịp thời khi có dấu hiệu tốt, nhắc nhở uốn nắn ngay những biểu hiện muốn quay lại con đường cũ. Giáo viên chủ nhiệm nên nắm vững hoàn cảnh trong lớp, quan tâm đến những em có hoàn cảnh đặc biệt để gần gũi động viên. Giáo viên chủ nhiệm phải coi mình như một người mẹ thứ hai. Vì đa số các em chưa ngoan rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, thiếu đi sự quan tâm gần gũi cần thiết, nên giáo viên chủ nhiệm còn phải giữ vai trò như là một người bạn để chia sẻ động viên kịp thời. Thực tế cho thấy, có những em dám nói hết mọi chuyện với thầy cô mà trong khi cũng chuyện đó lại không dám thổ lộ với bố mẹ. ( kể cả chuyện tình cảm đầu đời, kể cả chuyện gia đình…) thầy cô nên có những lời khuyên chí tình xác đáng. Cũng không nên bắt các em theo một hướng nào đó, mà chỉ nói “để em tham khảo, suy xét xem nên làm thế nào thì hơn”.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên phối hợp với gia đình, xã hội (nếu thấy các em có biểu hiện bị rủ rê lôi kéo thì có biện pháp ngăn chặn kịp thời). Nếu ngăn chặn kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ học sinh chưa ngoan trở thành học sinh hư, và giúp các em chưa ngoan nhanh chóng phục thiện.Thực tế không ít những học sinh “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”: Sống trong gia đình, môi trường phức tạp mà vẫn học giỏi, có ý thức rèn luyện. Nhưng một điều quyết định là thầy cô phải tận tâm, môi trường giáo dục tốt.
Làm nghề dạy học ai cũng muốn học trò mình ngoan ngoãn. Nhưng nếu có học sinh chưa ngoan thì phải dùng biện pháp giáo dục thích hợp để “chữa” cho những học sinh đó trở thành học sinh ngoan, chớ vội “đẩy “ các em vào những định kiến cuả mình để bỏ mặc chúng trượt dốc thành học sinh hư. Tất nhiên việc này đòi hỏi mất nhiều công sức và thời gian cùng với cái tâm của nghề nghiệp, nhưng đó là trách nhiệm cuả tất cả những người lớn mà nhà trường phải là nơi chủ chốt trong việc giáo dục học trò trở thành trò ngoan.