Kênh Chia sẻ Tổng Hợp, Học Ngữ Văn, Soạn Văn,Viết văn... Kiến Thức Internet...( HocNguVan.Com )

Đề bài Phong cách nghệ thuật của Thạch Lam qua truyện ngắn Hai đứa trẻ - Văn mẫu lớp 11 - Viết bài tập làm văn lớp 11 - Những bài văn hay lớp 11

Đề bài Phong cách nghệ thuật của Thạch Lam qua truyện ngắn Hai đứa trẻ - Văn mẫu lớp 11 - Viết bài tập làm văn lớp 11 - Những bài văn hay lớp 11

Thạch Lam là một trong những nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, tác phẩm của ông mang một phong cách đặc biệt thể hiện tài năng, sở trường sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Truyện ngắn Thạch Lam không hấp dẫn bạn đọc bằng những chi tiết xung đột gay cấn, mà gây xúc động độc giả bằng lối kể chuyện tâm tình, tâm sự về những cảnh đời, cảnh sống tối tăm, tù túng, tội nghiệp. Đây cũng chính là nét nổi trội trong phong cách Thạch Lam, và tác phẩm Hai đứa trẻ là một truyện tiêu biểu cho nét phong cách này.
Bức tranh phố huyện được miêu tả theo trình tự thời gian (khi chiều xuống, lúc đêm về, lúc đêm khuya có chuyến tàu chạy qua phố huyện). Điều đó thể hiện sâu sắc cái không khí, nhịp điệu, biến thái của thiên nhiên ngoại cảnh trong sự hòa hợp với tâm trạng, cảm xúc sâu kín trong thế giới nội tâm nhân vật qua từng thời khắc khác nhau.
Cảnh phố huyện lúc chiều xuống.
Cảnh phố huyện được gợi lên từ những âm thanh, hình ảnh.
Tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng, tiếng muỗi vo ve trong cửa hàng của chị em Liên…
Cảnh phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn, các nhà đã lên đèn, chợ đã tan mọi người về hết chỉ còn mấy đứa trẻ nhặt rác…
Liên là một cô gái có đời sống tâm hồn phong phú, nhạy bén với cuộc sống xung quanh, giàu tình thương, có những phát hiện tinh tế về cuộc sống con người nơi phố huyện.
Phân tích: Bức tranh phố huyện có sự trộn lẫn giữa hai loại chi tiết, hình ảnh: Hình ảnh êm đềm, thi vị và hình ảnh gợi cái nghèo khó, lam lũ… Tất cả tác động thật thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của hai đứa trẻ.
Cảnh phố huyện lúc chiều muộn thật êm ả nhưng cũng thấm đượm một nỗi buồn man mác như chính nỗi buồn trong tâm hồn Liên. Liên ngồi yên lặng, đôi mắt ngập đầy bóng tối, lòng buồn man mác, mơ hồ khó hiểu trước giờ khắc của ngày tàn. Cảnh chiều quê đã thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị.
Cảnh có sự hòa trộn bởi hai chi tiết gợi sự thi vị và lam lũ:
Sự thi vị: Tiếng trống thu không, phương tây đỏ rực như lửa cháy, mùi vị quen thuộc của đất đai…
Sự lam lũ: Tiếng ếch nhái kêu ran, tiếng muỗi, phiên chợ vãn, những đứa trẻ nhặt rác…
Nhận xét: Nhà văn thật tinh tế trong miêu tả ngoại vật (cảnh ngày tàn) bằng những câu văn với giọng điệu nhẹ nhàng, trầm lắng, chứa đầy chất thơ, bộc lộ tâm trạng “buồn man mác” của nhân vật. Cảnh sắc và nỗi buồn trong tâm hồn trộn lẫn, nhuốm vào nhau, hô ứng hòa hợp, nhịp nhàng.
Cảnh phố huyện được miêu tả bằng sự hòa trộn giữa hai yếu tố: Ánh sáng và bóng tối. Từ những khe cửa của một vài cửa hàng, những ngôi sao lấp lánh lẫn với những vệt sáng của đom đóm, ngọn đèn hạt đỗ của chị Tý, ánh lửa hắt hiu từ gánh phở bác Siêu, ngọn đèn vặn nhỏ trong cửa hàng của Liên…
Đường phố và các ngõ con chứa đầy bóng tối, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng…
Tâm trạng Liên tràn ngập nỗi buồn khắc khoải, niềm mong ước (mơ hồ) một cái gì tốt đẹp, tươi sáng hơn cuộc sống nghèo khổ thường ngày.
Ánh sáng và bóng tối hòa trộn vào nhau, nhưng bóng tối bao bọc, trùm phủ ánh sáng; ánh sáng lẻ loi, yếu ớt, chỉ là những “khe sáng”, “chấm sáng”, “vệt sáng”, “hột sáng” mà bóng tối thì mênh mông, dày đặc, như con quái vật khổng lồ đang vây diết, phủ trùm lên tất cả không gian phố huyện. Điều này gợi nỗi buồn đầy cảm thương, một sự tự ý thức (dù mơ hồ) về những kiếp người sống chìm khuất, khổ cực, tù túng nơi phố huyện.
Giọng điệu đoạn văn: Giọng văn nhẹ nhàng mang đầy chất thơ, câu văn như kéo dài ra, kết nối những mạch cảm xúc đang dâng lên trong tâm hồn nhân vật trước cảnh màn đêm dày đặc dần dần bao bọc phố huyện. Ví dụ: “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát…”, “Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng xẫm đen hơn nữa…”.
Chị em Liên chờ đợi chuyến tàu đêm là để thỏa mãn mong mỏi được ngắm đoàn tàu. Vì đoàn tàu đem theo “thế giới khác đi qua” tưng bừng hơn, sang trọng hơn, nhiều ánh sáng hơn của một Hà Nội xa xăm trong ký ức tuổi thơ (nơi đó có tuổi thơ chị em Liên sống những ngày hạnh phúc), một Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo.
Liên thấy buồn thấm thía và sâu xa về cuộc sống quẩn quanh, không thể thay đổi và mọi cái tươi sáng tốt đẹp chỉ là kỳ vọng, mơ hồ, xa xôi. Liên “thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tý chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”- Chi tiết mang lại cảm giác buồn thương, tội nghiệp cho những cuộc đời nhạt nhòe, vô nghĩa.
Ở đây có sự đối lập giữa hình ảnh đoàn tàu đi qua phố huyện: “Sáng rực, vui vẻ và huyên náo”, gợi lại đầy ắp những kỷ niệm về Hà Nội, về những ngày sống hạnh phúc nhưng lại chỉ thoáng qua trong chốc lát rồi lại trả cuộc sống phố huyện về trạng thái mênh mang, yên lặng và đầy bóng tối. Như vậy, đoàn tàu chẳng những làm vơi đi cuộc sống tù túng, buồn tẻ nơi đây, mà trái lại càng làm cho phố huyện vắng lặng, tiêu điều, nỗi buồn càng thấm thía hơn trong tâm hồn ngây thơ của hai đứa trẻ.
Như vậy, bức tranh phố huyện tác động sâu sắc tới đời sống tâm hồn con người nơi đây. Tương ứng với mỗi cảnh là một sắc thái cảm xúc của nhân vật Liên.
Thạch Lam thể hiện tài năng trong việc quan sát, miêu tả tỉ mỉ, tinh tế những biến thái trong tâm hồn, tâm trạng nhân vật. Cách xây dựng thế giới hình tượng độc đáo, cảnh sắc xung quanh hô ứng cho việc bộc lộ đời sống bên trong nhân vật. Đời sống nội tâm nhân vật thay đổi nhịp nhàng qua từng thời khắc.
Giá trị tư tưởng nhân đạo:
Bàn luận về giá trị tư tưởng nhân đạo của truyện, chú ý: Khi miêu tả đời sống nội tâm nhân vật cùng ngoại cảnh, Thạch Lam muốn nhấn sâu, tô đậm bức tranh phố huyện nghèo nàn, tù túng và niềm khao khát một cuộc sống tươi sáng. Chi tiết đợi chuyến tàu đêm của chị em Liên mang thông điệp tư tưởng nhân đạo của nhà văn: Hãy cứu lấy tâm hồn, cuộc sống trẻ thơ, để các em thực sự được sống trong tình thương yêu, hạnh phúc.
- Qua bức tranh phố huyện và tâm trạng của “hai đứa trẻ”, thể hiện tấm lòng thương cảm sâu sắc của tác giả đối với những kiếp sống tối tăm, mòn mỏi trong xã hội cũ, đồng thời mơ ước một cuộc sống tươi sáng hơn cho những con người nhỏ bé.
Truyện khẳng định một phong cách dộc đáo của Thạch Lam.
Truyện thể hiện một lối kết cấu độc đáo, truyện không có chuyện, không có mâu thuẫn, xung đột, chỉ là những chi tiết, hình ảnh khơi gợi cảm giác, suy tư trăn trở về những kiếp người sống tàn tạ, lay lắt nơi ga xép, phố huyện nghèo nàn.
Truyện đi sâu vào miêu tả tâm lý, tâm trạng nhân vật với những biểu hiện cảm xúc vi tế, mơ hồ mà có sức lay động tâm hồn sâu sắc.
Giọng điệu trữ tình, nhẹ nhàng, câu văn mang đậm chất thơ, diễn tả được nhiều sắc thái tâm trạng nhân vật.




Đề bài Phong cách nghệ thuật của Thạch Lam qua truyện ngắn Hai đứa trẻ - Văn mẫu lớp 11 - Viết bài tập làm văn lớp 11 - Những bài văn hay lớp 11 Rating: 4.5 Diposkan Oleh: HocNhanh.vn