Kênh Chia sẻ Tổng Hợp, Học Ngữ Văn, Soạn Văn,Viết văn... Kiến Thức Internet...( HocNguVan.Com )

Cô giáo 15 năm “giải cứu” học sinh nghèo

Sau những giờ lên lớp, cô Nguyễn Mỹ Phương lặn lội đến với những học trò nghèo sắp phải bỏ học ở tận đồng sâu. Cô đến lắng nghe, động viên các em rồi về nhà vận động người thân hoặc liên hệ với báo đài “tiếp sức” cho các em tiếp tục bám con chữ.
Bàn bè, đồng nghiệp và bà con xã Nhị Quý (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) biết đến cô Nguyễn Mỹ Phương – giáo viên Trường THPT Tứ Kiệt (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) không chỉ là con cháu của một dòng họ có 3 đời làm nghề “gõ đầu trẻ” mà lâu nay mọi người còn biết đến cô nhờ việc chuyên “giải cứu” học sinh nghèo, người gặp hoạn nạn gần 15 năm nay.
Gieo chữ “Nhân” trong lòng học trò
Như hai anh và chị của mình, sau khi tốt nghiệp THPT, cô Phương chọn học ngành Sư phạm. Sau 4 năm học đại học ngành Sư phạm Văn, cô Phương về quê và được phân công giảng dạy tại Trường THPT Tứ Kiệt và cái duyên gắn với học trò nghèo cũng bắt đầu từ ngày cô đứng lớp.
Trong một lần PV Dân trí cùng với cô giáo Phương xắn quần, băng đường đồng cả 3, 4 km đến nhà em Nguyễn Quốc Đạt – nhân vật trong bài viết “Con không sợ phải bỏ học, chỉ sợ mất mẹ” để tìm hiểu hoàn cảnh nhờ bạn đọc báo Dân trí giúp đỡ mới thấy hết tâm huyết của người giáo viên có thân hình nhỏ nhắn, gương mặt phúc hậu này.

Để đến với gia đình của các em học sinh nghèo, cô Mỹ Phương thường băng qua những con đường lầy lội thế này.
Cô Phương bùi ngùi kể lại: “Thú thật, ban đầu làm công việc này mình cũng lo lắm, vì một khi mình đến nhà các em thăm hỏi vô tình mình đã gieo một sự hy vọng rất lớn cho các em và gia đình. Nhưng từ khi kết hợp được với báo Dân trí, bản thân, gia đình và đồng nghiệp vui mừng lắm! Vì thấy hoàn cảnh của các em được báo đăng tải, bạn đọc nhiệt tình giúp đỡ, từ việc lo cho các em cây viết, cuốn tập, tiền học phí… và nhất là chuyện giúp các em hoặc người thân của các em có điều kiện chữa bệnh. Điều này tôi thầy quý lắm!”.
Như hoàn cảnh em Nguyễn Ngọc Hương – học sinh lớp 10A14 Trường Đốc Bình Kiều (Cai Lậy, Tiền Giang), nhân vật trong bài viết “Cha gánh vỏ trấu kiếm tiền ghép hộp sọ cho con gái”, cô Phương nhớ như in. “Ngày tôi cùng một số giáo viên Đốc Binh Kiều đến thăm, nhìn em tội lắm! Thân hình gầy đét, da dẻ xanh xao, một bên đầu hõm sâu… nhưng khó quên nhất là khi em cầm tay tôi hai hàng nước mắt tuôn chảy, em nghẹn ngào nói: “Cô gắng giúp em ghép lại hộp sọ để em được đi học, sau này em lo cho ba mẹ khi tuổi già!”. Các giáo viên chúng tôi lúc đó như chết lặng vì cảm phục sự hiếu thảo và hiếu học của em Hương!
Thầy phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nhị Quý Nguyễn Bá Lộc cho biết: “Bà con lối xóm, đồng nghiệp không chỉ yêu quý cô giáo Phương ở trình độ chuyên môn, cái tâm với nghề mà chính là cách sống, chính là thực hiện và truyền chữ “Nhân” cho các em học sinh. Đặc biệt là khi thực trạng lối sống ích kỷ, thực dụng đã xuất hiện ở một bộ phận học sinh thì việc giáo dục chữ đức cho học sinh càng thêm giá trị và cấp thiết”.
Ông bà nội cô Phương đều là giáo viên và gia đình cựu giáo chức này có 11 người con thì có đến 10 người tiếp nối với nghề giáo. Cha mẹ cô Phương cũng là hai cựu giáo viên và 3 anh chị em cô Phương cũng nối nghiệp nghề giáo của cha mẹ. Hiện trong dòng họ cô Phương có 33 người làm giáo viên.
…Và thực hiện chữ “Nhân” với đời
Cô giáo Phương không chỉ làm “cầu nối” đưa các các học trò nghèo đến với các mạnh thường quân mà cả chục năm nay, cô cũng tranh thủ một buổi đi dạy, một buổi đi ghi nhận các hoàn cảnh bệnh nhân nghèo mỗi khi bà con kêu cứu. Và cái duyên cô đến với nhịp cầu nhân ái là do đa số những hoàn cảnh cùng khổ này chẳng viết nổi một lá đớn gửi đến báo, đài hay cơ quan nhà nước xin giúp đỡ.
Ông Nguyễn Văn Mừng – phó Chủ tịch xã Mỹ Long (Cai Lậy) cho biết: “Đối với những hoàn cảnh nghèo, bệnh tật, địa phương chỉ vận động hỗ trợ cho người dân ít tiền thang thuốc ban đầu. Còn về lâu dài thì nhờ các báo đài “lên tiếng” để các nhà hảo tâm chung tay đóng góp. Và hơn 10 năm nay, nhiều bà con ở xã Mỹ Long này cũng như một số xã bạn khác rất biết ơn và cảm phục việc làm của cô Phương, bởi việc cô làm xuất phát từ cái tâm, không một khoản trợ cấp nào dành cho công sức của cô”.Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có thể kể đến một số hoàn cảnh tiểu biểu mà cô Phương giới thiệu đến bạn đọc báo Dân trí, như gia đình anh Bùi Văn Nhiệm – nhân vật trong bài viết “Cha bán thận cứu mẹ, cả gia đình nguy nan”; gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Trúc trong bài viết “Cha bị đá đè chết, tương lai mịt mù với 3 đứa trẻ”… Nếu tính riêng các hoàn cảnh cô Phương giới thiệu cho báo Dân trí gần 2 năm qua đã có gần 100 trường hợp được bạn đọc Dân trí giúp đỡ, thoát khỏi bệnh tình, ổn định cuộc sống.
Thầy Nguyễn Thanh Ngoan – cha cô giáo Phương cho biết: “Điều cha tôi thường hay nhắc con cháu khi họp mặt trong những ngày tư ngày tết là: khi chọn nghề giáo thì không nghĩ đến việc mình làm kinh tế mà luôn ghi nhớ 5 chữ: “Nhân lễ, nghĩa, trí, tín” làm kiêm chỉ nam cho đời sống của mình và phải truyền đạt các điều đó cho học sinh noi theo. Bây giờ vợ chồng tôi nghỉ hưu rồi nhưng tôi rất mừng khi các con đều xem trọng chữ “Nhân” trong nghề nghiệp và trong cuộc sống đời thường”.
Theo suốt con đường “Nhân ái” của cô giáo Phương phải kể đến sự hy sinh thầm lặng của cô giáo Bùi Thị Thanh Giang – mẹ ruột cô Phương và thầy Lê Thanh Thảo – chồng cô Phương, hai người luôn là “cái chân” cho cô Phương (cô Phương không biết chạy xe máy – PV) đến với những học trò nghèo và hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình bên chồng (toàn bộ anh em bên chồng cô Phương là giáo viên – PV) là những người cùng cô gián tiếp viết lên những câu chuyện nhân ái mang tính nhân văn sâu sắc.
Trước khi chúng tôi ra về, cô Mỹ Phương thố lộ: “Có những hoàn cảnh mình giới thiệu nhưng vì có nhiều lí do, các ân nhân chưa biết đến không được tiếp giúp, bà con còn khổ lắm. Hoặc có khi tiền bạn đọc đến rồi nhưng việc học hành của các em dở dang vì sự thiếu hiểu biết của cha mẹ. Và có khi sự sống của họ không thể tiếp nối… dù đã có điều kiện chữa bệnh… Đây là những điều mình trăn trở nhất trong suốt 15 năm làm cầu nối cho các nhịp cầu nhân ái. Có lúc, tôi thấy chùn chân nhưng vì “cái nghiệp” nó cứ bám lấy mình và lại đi tiếp”.