Hôm ấy, anh vội phóng đến trường nộp bản vẽ cho Thầy vì đã quá hạn hai ngày rồi, nên mới vô ý va trúng chiếc xe đạp hồng ấy, chứ anh đâu phải tay lạng lách đánh võng đâu, em nhỉ?
– Em đồng ý. Anh có kể nhanh không thì bảo?!!!
– Ừ thì, sau khi cả hai xe cũng ngã, cái bình thuỷ tinh trên giỏ xe cô bé ấy cũng bị rơi xuống mặt đường, vỡ tan, rơi ra một con cá nhỏ giãy giụa yếu ớt đến tội nghiệp trong một ít nước còn sót lại. Anh thấy tội quá nên vội lấy bình nước để trong ba lô ra, nhặt con cá lên thả vào đấy luôn, may mà còn kịp. Thế mà, làm ơn chưa kịp trả ơn, anh đã bị mắng xối xả:
– Anh kia, mắt mũi anh để dành trong túi à, sao không lấy ra xài đi, để đụng trúng một người đi xe đạp với tốc độ 2km/ giờ như tôi chứ hả? Đã thế lại không thèm đỡ người ta dậy, ngồi đấy xuýt xoa con cá là thế nào?????? Anh có còn tính người không đấy??????
– Con cá này không có nước thì sẽ chết ngay đấy, còn cô không có tôi đỡ vẫn còn khoẻ mắng thế kia mà!
Thật ra trước khi nhặt con cá bỏ vào bình, anh cũng “liếc” qua cô ấy rồi đấy chứ, thấy cô ấy lồm cồm bò dậy được, anh mới quyết định ra tay cứu sinh vật đang ngấp ngoái kia mà —->làm mặt vô tội)
– Thế rồi sao nữa? Cô ấy có đòi lại con cá không anh?
– Không những không thèm đòi lại mà cô ấy tặng cho anh một câu “tình cảm” không thể tả: “Thế thì anh ôm nó về mà nuôi luôn đi nhé!”
Nói rồi cô bé ấy dựng xe rồi đạp đi một nước, anh không kịp í ới hỏi han gì cả. Anh cũng thu dọn “chiến trường” rồi chuẩn bị lên “ngựa”, nhưng lại thấy có một tấm thiệp nhỏ gắn vào một chiếc ruy băng hồng, cột ở nắp chiếc bình đã vỡ. Tò mò anh mở ra xem, thì thấy trong ấy có một dòng chữ nhỏ nhắn viết bằng mực hồng (có lẽ cô bé ấy cuồng màu hồng em ạ!): “Tặng Anh- chàng hoạ sĩ lãng mạn. Khi nào anh nuôi nó lớn thành con cá…lóc, em sẽ nấu canh chua cho anh ăn, nhé!”. Câu đầu nghe thật tình cảm em nhỉ, câu sau nghe thấy…ác nhơn hết sức!
Mấy hôm sau, thằng Khoa bạn anh tới chơi, thấy có bình cá cảnh, nó khen anh “biết nuôi thú là biết hưởng thụ”??? (Nghe cứ như mấy cụ già về hưu nuôi cây, nuôi cá ấy, hic!). Nó còn bảo: “Hôm dọn phòng qua chỗ mới, tao để lại một con cá y chang như con này”. Anh hỏi sao không mang theo nuôi, nó bảo mang theo rắc rối, nó chẳng có thời gian đâu mà cho ăn với thay nước, anh thấy nó nói cũng đúng, vì nó không ngồi bên bàn vẽ, thì cũng ngồi bên bàn…mấy em sinh viên năm dưới, thời gian đâu mà ngồi ngắm cá bơi?
Rồi nó mượn anh cây bút vẽ, anh bảo để trong ngăn bàn, mượn rồi nhớ trả nguyên vẹn đấy! Mọi khi nó sẽ la lên bảo “mày lại quan trọng vật chất hơn bạn bè, sau này tao nổi tiếng, tao bù gấp đôi, được chưa!”, nhưng hôm đó anh thấy nó im re, xong rồi nó cất tiếng hỏi anh:
– Mày lấy con cá này ở đâu??
Khoa và An Thi quen nhau từ tháng ba năm ngoái, đến nay đã tròn hai năm. An Thi muốn thi vào trường vẽ nên theo “thầy Khoa” tầm sư học đạo. Thằng Khoa nổi tiếng trăng hoa ở khoá anh đấy, nhưng cũng nổi tiếng có tài, nên nó mở một lớp dạy kèm tại nhà “để lấy tiền cua thêm em út”, nó bảo vậy. An Thi lúc ấy học năm nhất ở một trường kinh tế, nhưng vì đam mê pha màu, múa cọ nên quyết tâm thi vào trường vẽ, thế nên đã tìm đến “thầy Khoa”. Khoa bảo học trò nào nó cũng đùa giỡn được, chỉ riêng An Thi là nó “không dám” hó hé, nó bảo An Thi có cái thần của một “Vệ Nữ”, xung quanh luôn toả hào quang làm một kẻ lãng tử đa tình như nó trở thành kẻ ngu ngốc. Thế nên nó đối xử với An Thi rất đúng mực thầy trò, tận tình chỉ dạy, không giấu diếm “bí quyết” nào cà.
Đến tháng thứ tám thì An Thi có biểu hiện lạ. Cô bé hay đến sớm hơn và về trễ hơn so với các bạn khác, đôi khi chỉ để nói dăm ba câu chuyện vu vơ về hội hoạ, trường lớp hay tám chuyện trên trời dưới đất với “thầy”, điều mà trước đây “thầy” chưa hề thấy ở một cô bé chỉ cắp giấy đến vẽ rồi cắp giấy về. Có khi, An Thi đem đến những cái bánh do cô bé tự làm, cái khăn cô tự đan hay một quyển sách lãng mạn nào đó. Hôm sinh nhật Khoa, cô bé đã đem đến bình cá nhỏ tặng nó, kèm theo tấm thiệp cột ruy băng hồng này. Khoa bắt đầu thấy lo ngại, đúng ra nó phải vui mừng vì một con cá tự nhảy vào mà không cần mồi câu hay chiêu bài gì cả, nhưng bản thân nó luôn biết, An Thi không phải “cá”, An Thi là cô bé đáng yêu và đáng trân trọng, nó rất quý, rất mến, nhưng để tiến xa như trong một câu chuyện tình thì nó không thể. Nó chưa khi nào nghiêm túc trong tình cảm, nên nó sợ An Thi sẽ bị tổn thương, mà vết thương tình đầu tiên cũng là nỗi đau dài mãi mãi.
“Tao chuyển nhà mà không báo cho An Thi biết, một phần cũng vì thế. Thà kết thúc khi còn có thể, còn hơn làm cô bé mất đi sự trong sáng và hồn nhiên mà tao luôn mong cô bé giữ được. Tao là thằng xấu xa trong tình yêu mà! À mà không, tao chẳng yêu ai nên chẳng việc gì phải tự trách mình như thế, phải không mày?” Nó nói thế nhưng giọng nó buồn thấy rõ, giống như để mất một thứ chỉ vì mình không can đảm nắm lấy vậy.
Tháng ba, con cá bỏ ăn, dù cho anh có đổi đủ loại thức ăn, thay nước chăm chỉ, thì cuối cùng nó vẫn chết. An Thi thi đậu vào trường anh, trước đó mấy tuần, Khoa lấy được học bổng đi du học Mỹ. An Thi, cô bé ấy đúng là “Vệ Nữ” em ạ, trong sáng và thánh thiện, tuy đôi lúc vẫn còn nhắc đến chuyện anh không thèm xin lỗi hay hỏi han gì khi cô ấy ngã xe . Có đôi lần cô ấy hỏi anh, không biết tại sao mà có những tài liệu, sách báo liên quan đến ngành học của cô, rồi màu vẽ, cọ vẽ…Made in USA lại đáp đến nhà cô đều đặn như thế, anh chỉ biết cười đáp: “Duyên trời cho, em đừng lo :). “