Khó khăn lắm Hạnh mới quyết tâm bứt mình ra khỏi bóng tối bao trùm cuộc đời cô suốt 30 năm trời. Quả nhiên, mỗi ngày cười thêm một chút thì sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp hơn nhiều. Khi hé mắt nhìn cuộc đời, Hạnh đã không mường tượng ra ở đó sẽ toàn là bóng tối bao trùm lên tất thảy.
Cô bị một vết chàm đen kín quá nửa khuôn mặt và một bàn tay sáu ngón. Người phụ nữ nhẫn tâm đã sinh ra cô đành lòng vứt bỏ núm ruột của mình, trên ghế đá công viên chỉ với vài dòng nhắn gửi: “Cảm ơn người đã cứu giúp cuộc đời con gái tôi. Tôi xin ngàn lần tạ tội với con tôi vì đã ích kỷ mà rời xa con bé để đi tìm hạnh phúc của cuộc đời mình…”.
Có niềm hạnh phúc nào lớn hơn khi được ôm con trong vòng tay ấm áp, có nghĩa vụ nào thiêng liêng hơn tình mẫu tử, có trách nhiệm nào cao cả hơn việc bảo vệ con mình. Hạnh đã không được chào đời trong vòng tay bao la, ấm áp của mẹ, không được làm niềm hạnh phúc lớn lao của đấng sinh thành. Nhưng ông Trời đã không tuyệt đường sống của một sinh linh bé nhỏ đang quẫy đạp trong sương mai, để chờ đợi một bình minh mới hửng.
Bà Minh đi tập thể dục buổi sáng đã không nén nổi lòng mình: “Thật là oan nghiệt. Ai đã sinh ra con mà nỡ nhẫn tâm chối bỏ. Nếu con không chê nghèo hèn thì về cùng với mẹ. Thật tội nghiệp cho con”.
Chưa một lần làm vợ, chưa một lần mang nặng đẻ đau và cũng chưa một lần cất tiếng xưng mẹ, nhưng bà Minh đã buột miệng thốt lên lời xót xa, cay đắng cho một “con người”. Bà sống quá nửa cuộc đời trong cô quạnh cũng chỉ vì “xấu quá chẳng ai vờn”. Xoong cơm của bà chỉ nhỉnh hơn cái bát nhà người ta, một bát một đũa với vài cọng rau cũng đã tính là một bữa. Giờ có thêm “con bé” cuộc sống của bà trở nên bận rộn hơn nhiều.
Bà đặt tên con là Hạnh những mong cuộc đời nó được hạnh phúc hơn bà chút đỉnh, nhưng xem ra đó vẫn chỉ là một giấc mơ quá xa vời. Khi bà đã lưng còng, tóc bạc, đi lại phải chống gậy thì Hạnh vẫn lẻ bóng đi về. Đến tuổi đi học dù nghèo khổ bà vẫn cố cho Hạnh đến trường, nhưng ngày này qua ngày khác cô sống trong sự chê bai, dè bỉu của chúng bạn. Bọn trẻ gọi cô bằng đủ mọi tên: “Hạnh mặt quỷ, ma Cà rồng, người đẹp ngủ trong chuồng khỉ…
Càng ngày Hạnh càng thu mình hẹp lại, mặc dù cô rất thông minh nhưng không bao giờ dám giơ tay phát biểu. Cô gần như mất đi ngôn ngữ giao tiếp, chỉ trả lời khi có người hỏi. Nụ cười trên môi cô tắt ngấm khi bị bạn bè khinh bỉ, giễu cợt: “Tốt nhất là mày đừng có cười kẻo người ta lại tưởng khỉ bị xổng chuồng trong vườn bách thú. Rồi người ta lại bắt nhốt mày vào đó cho khỉ nó xem cho đỡ buồn”.
Lâu dần Hạnh mất đi cảm xúc và không bao giờ cười nữa. Học hết lớp 7, Hạnh bỏ học ở nhà phụ bán cháo sườn với mẹ. Sáng hay tối Hạnh đều dùng khẩu trang và khăn bịt kín mặt, chỉ hở ra đôi mắt để không ai nhìn thấy “bộ mặt đáng ghét” của mình cho họ ăn được ngon miệng.
Dù đau khổ vì bị xa lánh, ghẻ lạnh nhưng chưa bao giờ cô thù ghét người mẹ đã sinh ra mình rồi đành lòng bỏ mặc ấy. Cô luôn tự nhủ mình: “Được sống đã là một hạnh phúc lớn lao. Ông Trời muốn trao trọng trách vào tay ai ắt sẽ bắt người đó vượt qua ngàn thử thách, mình phải sống thật vững vàng”. Hạnh rất ngoan và lễ phép nên người đứng tuổi trong xóm ai cũng quý, có người tốt bụng đã xin cho cô đi làm thêm ở công ty vệ sinh môi trường.
Có nhiều đêm làm đến tận khuya, Hạnh tự cho phép mình cởi bỏ lớp mặt nạ ra để hít thở không khí trong lành. Một hôm, cô đang khua chổi trên đường Thanh Niên khi người qua lại chỉ còn lác đác, bỗng nghe tiếng còi xe máy inh ỏi và chiếc xe cứ đánh võng giữa đường rồi leo lên vỉa hè. Người cầm lái loạng choạng và đổ uỳnh xuống may mà không nguy hiểm.
Anh ta lẩm bẩm: “Nói cấm có sai, dừng là té mà”. Thì ra Cẩm đã uống say mèm và leo lên xe phóng tít. Không biết anh đã gặp bao nhiêu ngã tư đèn xanh đèn đỏ, đến cái nào anh cũng rẽ phải và có lẽ giờ thì bình xăng đã cạn lên ga mãi nó vẫn không chịu chạy.
Hạnh đỡ Cẩm ngồi lên một chiếc ghế đá cạnh đó rồi ì ạch nhấc chiếc xe dựng vào ven đường. Hạnh quay lại đã thấy anh ngủ lăn trên ghế đá, trông thật thảnh thơi. Dưới ánh đèn đường lấp loáng bóng cây nhưng cũng đủ sáng để Hạnh nhận ra, Cẩm rất đẹp trai và có lẽ kém cô đến vài tuổi.
Khi mặt trời vừa ló rạng cũng là lúc anh cựa mình tỉnh giấc, chẳng cần biết ai đã mất cả đêm thức trắng để ngồi trông xe và trông cho anh ngủ. Vươn vai hít thở thấy trong mình khỏe khắn, anh đưa mắt nhìn quanh thấy một cô gái bịt mặt ngồi cạnh chiếc xe rác phía đằng xa. Thấy Cẩm đã tỉnh cô vội vàng đẩy xe đi như trốn chạy.
Như sực nhớ ra điều gì, anh lao vội lên chặn đầu chiếc xe rác: “Hình như đêm qua cô đã,..”. Hạnh trả lời vội vàng: “Anh không sao thì tốt rồi” và lại đẩy xe đi. Anh dắt chiếc xe theo sau một cách khó nhọc vì nó đích thị đã bị hết xăng. Anh khẩn khoản: “Thì ít ra cô cũng phải cho tôi nhìn mặt một lần, biết tên với vài dòng địa chỉ để còn biết lối đến cảm ơn”.
Lần đầu tiên Hạnh đối thoại với người lạ một cách thẳng thắn: “Nếu muốn gặp thì anh cứ tới con đường này vào canh khuya nhưng còn mặt tôi thì anh không nên nhìn kẻo đêm lại mơ thấy ác mộng”. Anh hóm hỉnh nói đùa: “Sợ gì chứ, tôi thích nhất là xem phim ma. Nói thật với cô, mặt đẹp người đẹp mà làm gì, có mài ra ăn thay cơm được đâu. Vợ tôi hình thức chẳng kém gì hoa hậu, nhưng tâm hồn lại chẳng bằng cái xe rác của cô”.
Nhìn anh cười mà Hạnh thấy mình tự tin hơn hẳn, cô chầm chậm kéo tụt chiếc khăn xuống cằm, để lộ hẳn ra vết nám đen không thẩm mỹ nào có thể xóa đi nổi. Anh nhìn sâu vào đôi mắt đen thăm thẳm của Hạnh rồi buột miệng buông lơi câu nói của mình: “Rất đẹp nhưng buồn.
Giá như cô hay cười thì ánh mắt sẽ bớt u sầu hơn và nỗi buồn sâu thẳm trong đó sẽ vơi đi một nửa”. Anh đang đau khổ vì người vợ đẹp của anh ẵm nguyên cả trăm triệu, anh dành dụm trong suốt bao nhiêu năm để đi theo người đàn ông khác, bỏ lại anh và đứa con chưa đầy năm tuổi.
Sau đêm hôm đó, anh thường xuyên quay lại con đường này và những dòng tâm sự tưởng chừng như bất tận đã xóa nhòa khoảng cách cả về không gian lẫn thời gian. Cô đã biết cười khi anh nói đùa: “Các cụ đã dạy – Nồi tròn thì úp vung tròn… Bao nhiêu nồi méo vẫn còn đợi vung”. Chiếc “vung cô mong đợi suốt 30 năm qua giờ ông Trời khéo se trên chiếc nồi không tròn trịa và Hạnh đã không còn mong bóng tối dài đến vô cùng nữa.