Nhưng kì lạ thay! Hợp âm đầu tiên vang lên đã hút hồn tôi. Bobby chơi một bản nhạc buồn do cậu tự chọn mà tôi cũng chưa từng tập cho cậu. Nó đòi hỏi kỹ thuật cao hơn những gì Bobby đã học. Dẫu vẫn là tiếng đàn của trẻ con, nhưng nó như có hồn, lúc ai oán, khi ào ạt. Khi hợp âm cuối cùng lắng xuống, toàn thể hội trường đứng bật dậy vỗ tay rầm rầm.
Tôi là giáo viên dạy nhạc bậc tiểu học. Suốt 30 năm trong nghề, ngoài giờ lên lớp ở trường tôi thường nhận dạy piano tại gia cho các em theo yêu cầu của phụ huynh. Thú thực, không phải lúc nào công việc này cũng hứng thú, nhất là khi bạn gặp những “thần đồng” sinh ra từ cao vọng của cha mẹ chúng.
Một năm nọ, có cậu bé tên Bobby tự tới nhà tôi xin học. Lúc đó, Bobby đã 11 tuổi. Tôi toan từ chối vì tuổi đó mới bắt đầu học đàn piano là đã muộn. Nhưng Bobby cứ nằn nì… Sau cùng, tôi xiêu lòng khi nghe chú bé nói rắng ước mơ cả đời của mẹ chú là con trai của mình trở thành một nghệ sĩ dương cầm. Bobby trở thành học trò của tôi.
Tuy nhiên, ngay từ buổi học đầu tiên tôi hiểu rằng mình đã vác một gánh nặng vào thân. Bobby rất chăm chỉ nhưng xem ra không có nhiều triển vọng trên con đường âm nhạc. Thụ cảm nhạc và tiết tấu của Bobby quá kém. Thế nhưng, sự chán nản của tôi được xoa dịu phần nào khi thấy chú bé nhẫn nại thực hiện mọi lời chỉ dẫn của tôi.
Thỉnh thoảng, tôi không kìm nổi bực bội, buông lời cáu gắt, thậm chí cầm thước gõ vào tay Bobby. Chú bé chỉ ngước đôi mắt tròn xoe nhìn tôi và rồi tiếp tục cặm cụi trên phím đàn. Mỗi khi Bobby ra về, tôi thấy mình mệt nhừ.
Tháng ngày trôi qua, trái với dự đoán của tôi, Bobby vẫn chăm chỉ dự các buổi học. Mỗi khi bị tôi mắng cậu bé lại lẩm bẩm: “Một ngày kia mẹ sẽ được nghe mình đàn”. Bằng kinh nghiệm, tôi biết chắc Bobby không thể trở thành một nhạc công. Tôi thầm trách móc mẹ Bobby. Ép đứa con không có năng khiếu nhạc này học đàn mà làm gì?
Buổi trình diễn cuối khóa, lần lượt các học trò của tôi đã lên sân khấu, nhưng không thấy dáng Bobby đâu. Tôi đương khấp khởi mừng vì bớt đi một tiết mục kém thì Bobby thẫn thờ đi vào, mắt đỏ hoe sưng húp, tóc tai bù xù, quần áo xộc xệch. Tôi không thể hiểu nổi tại sao có người mẹ lại để con mình ăn mặc đầu tóc như thế khi bước lên sân khấu. Nhưng không kịp nữa rồi, đành cứ mặc Bobby, miễn chuyện này qua cho nhanh.
Nhưng kì lạ thay! Hợp âm đầu tiên vang lên đã hút hồn tôi. Bobby chơi một bản nhạc buồn do cậu tự chọn mà tôi cũng chưa từng tập cho cậu. Nó đòi hỏi kỹ thuật cao hơn những gì Bobby đã học. Dẫu vẫn là tiếng đàn của trẻ con, nhưng nó như có hồn, lúc ai oán, khi ào ạt. Khi hợp âm cuối cùng lắng xuống, toàn thể hội trường đứng bật dậy vỗ tay rầm rầm.
Bobby lập cập đứng dậy tiến lại gần micro: “Mẹ thích bản nhạc này không”?, cậu bé hỏi.
Ai nấy ngơ ngác nhìn quanh cố tìm xem ai là mẹ của Bobby. Sợ cậu bé làm điều thất thố, từ trong cánh gà tôi vội chạy ra kéo tay Bobby.
Một người đàn ông – sau này tôi biết đó là nhân viên bảo trợ xã hội có nhiệm vụ tháp tùng cậu bé – len đến bên tôi nói khẽ: “Mẹ Bobby bị điếc. Cả đời bà chỉ mong được nghe tiếng đàn của con. Bà vừa qua đời sáng nay vì bệnh ung thư và không kịp đến xem con trai biểu diễn”.