Mít thèm ăn KFC quá, liền lân la tới cạnh khi mẹ đang làm việc và hỏi: Mẹ ơi mẹ sắp có lương chưa?
Mẹ biết ngay là Mít sắp có nhu cầu gì đây! Mẹ bèn hỏi lại: Mẹ chưa, nhưng con có nhu cầu gì nào?
Mít bảo: Khi nào mẹ
có lương thì mẹ cho con đi ăn KFC nhé!
có lương thì mẹ cho con đi ăn KFC nhé!
Mẹ trả lời: Mẹ đồng ý, nhưng con phải đợi vì đợt này mẹ phải làm nhiều việc cần tới tiền. Và các con còn phải ngoan nữa.
Mít thấy mẹ nói vậy vui mừng nói toáng lên với Chíp: Chíp chíp ơi, mẹ đã đồng ý là khi nào có tiền sẽ cho chúng ta đi ăn KFC đấy!
Đương nhiên mẹ không thể cho con đi ăn KFC ngay trong ngày hôm nay, vì mẹ chưa có tiền, mẹ muốn các con hiểu điều đó. Chắc chắn phải vài ngày nữa chuyện đi ăn KFC mới xảy ra nếu mẹ đi làm về sớm. Mẹ không thể đáp ứng nhu cầu của các con ngay lập tức khi các con muốn, các con dường như đã có thói quen này.
Mẹ nhớ cách đây hơn 1 năm, khi Mít mới hơn 4 tuổi, trong bữa cơm tối Mít đã hỏi mẹ: Mẹ ơi mẹ sắp có lương chưa? Mẹ hỏi lại: để làm gì hả con? Mít bảo: khi nào có lương mẹ mua cho con 1 hộp coca nhé! Vì con thèm coca quá rồi!
Bố nhăn mặt với mẹ vì sao lại có thể để cho con “đói khát” đến như vậy. Mẹ thì không nói gì chỉ trả lời dứt khoát: bao giờ có lương mẹ sẽ mua!
Nhưng rồi bố cũng hiểu ra, mẹ đang muốn các con tư duy theo cách, bố mẹ không thể đáp ứng được các nhu cầu của các con. Bố mẹ phải đi làm vất vả để kiếm tiền nuôi các con và các con thể hiện sự chia sẻ với bố mẹ bằng việc ngoan ngoãn.
Bởi vậy, hai con không có thói quen đòi đi theo bố mẹ khi bố mẹ đi làm. Vì các con hiểu đó là công việc của bố mẹ và phải đi làm, bố mẹ mới có tiền để nuôi các con. Các con phải tự ở nhà, ngoan ngoãn chơi với nhau và nghe lời mẹ dặn (dù vẫn thường xuyên quên).
Ở cuộc đời này, mẹ không phải không có tiền để mua cho các con một hộp coca, đưa các con đi ăn KFC hay mua cho các con một thứ đồ chơi nào đó. Nhưng chuyện đó phải chừng mực, vì nếu các con được đáp ứng mọi nhu cầu sẽ sinh ra tâm lý hưởng thụ. Đó là thái độ sống sẽ triệt tiêu mọi động lực phấn đấu của các con. Các con sẽ nghiễm nhiên nghĩ rằng các con không cần phải làm gì cũng được hưởng tất cả những thứ đó. Mà cuộc đời các con sau này, khi ra khỏi vòng tay bố mẹ sẽ không có gì là miễn phí cả. Mẹ chắc như vậy.
Cách đây vài năm, một người bạn của mẹ đã rất buồn khi không biết phải nói chuyện với anh con trai bác ấy thế nào. Con trai bác ấy vào lớp 10 và cứ nhất quyết đòi mẹ phải mua cho xe SH P/S hơn 100 triệu đồng. Bác ấy thì chỉ đồng ý mua cho con mình xe Wave 14 triệu đồng thôi. Khi bác ấy giải thích là: bố mẹ không có đủ tiền thì anh ấy đã “cười khẩy”: Mẹ nói mẹ không có tiền mà bố đi làm bằng ô tô, mẹ đi làm bằng ô tô? Cả cái gia sản này khi bố mẹ chết đi không để lại cho con thì cho ai?
Bác ấy sững người khi con trai mình nói vậy. Khi tâm sự với mẹ, bác ấy hỏi: bắt đầu dạy lại con trai từ lúc này có phải là quá muộn không?
Mẹ không thể trả lời bác ấy được. Bởi mẹ hiểu, các con như những cành cây non, mỗi ngày uốn một chút thì còn được. Khi cành cây nó đã lớn, đã cứng rồi thì uốn rất khó và dễ gãy. Đã uốn thì luôn phải giữ nguyên tắc của mình, người uốn không được cho phép mình dễ dãi dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Mỗi người có một cách yêu con khác nhau. Mẹ thì chọn cách này mặc dù nhiều lần mẹ đã làm các con thất vọng vì không thể đáp ứng được thứ các con muốn.
Như chiều nay, dù rất thích ăn KFC nhưng cả hai con vẫn ngoan ngoãn tự xúc ăn hết bát cơm với canh sườn nấu chua mà không có thêm ý kiến gì. Mẹ vui vì điều đó!