Mỗi khi bàn chuyện chú tôi đi bước nữa để có người đàn bà dạy dỗ thương yêu hai đứa trẻ mồ côi mẹ, các thím tôi thi nhau nói: “Khác máu tanh lòng, đợi đấy nó thương, không hất ra đường là phúc tổ bảy mươi đời…”. Nhưng thím Hoàn tôi là ngoại lệ.
Người vợ trước của chú tôi chết do bệnh nặng. Lúc đó thằng Thành mới lên 5, con Thơm vừa tròn 3 tuổi. Hai đứa trẻ nheo nhóc, tội nghiệp. Tuổi này chúng đang rất cần hơi ấm, sự che chở của người mẹ.
Sau ngày giỗ đầu vợ chú, đại gia đình tôi tổ chức buổi họp bàn về vấn đề đi bước nữa của chú Thiệu. Bà tôi bảo:
“Nhìn hai đứa trẻ ta thấy thương quá, cảnh gà trống nuôi con làm sao ổn, ta thì già cả rồi, mắt mờ tay run chăm bẵm chúng thế nào được. Cái Hà chết nó cũng chưa mãn nguyện đâu, thôi công việc của vợ xong rồi, mày tính kiếm lấy cô vợ về nuôi hai đứa con cho mẹ nó nhắm mắt xuôi tay”.
Thì ra bà tôi đã nghĩ đến vấn đề này từ lâu, bà đã chọn được một người phụ nữ tin cậy để gửi gắm hai đứa cháu nội mình yên tâm gọi bằng mẹ. Vì phải cố chờ đến ngày giỗ đầu mẹ chúng bà mới dám bàn kẻo dân làng họ cười chê. Khi bà tôi nhắc đến cái tên Hoàn con nhà ông Thỉnh, mấy bà thím tôi phản đối kịch liệt:
“Đợi đấy mà nó thương con mình. Phải đặt câu hỏi tại sao ngoài 30 vẫn chưa có ai rước. Nó là quả bom nổ chậm nhà ông Thỉnh, giờ nhà mình đến thì may mắn quá còn gì”.
“Đợi đấy mà nó thương con mình. Phải đặt câu hỏi tại sao ngoài 30 vẫn chưa có ai rước. Nó là quả bom nổ chậm nhà ông Thỉnh, giờ nhà mình đến thì may mắn quá còn gì”.
Bà tôi nghe vậy nhẹ nhàng bảo: “Đừng nghĩ xấu cho người ta, phải tội. Người ta là người hiểu biết, có trước có sau, nhưng vì cái bệnh không đẻ được nên không có người lấy. Thôi thì mình làm phúc, mình cũng có phúc, giúp đỡ nhau cho cuộc sống thêm tiếng cười”.
Lễ cưới được tổ chức, không nhộn nhịp, đông đúc như những đám cưới bình thường. Chỉ con gà ván xôi trình các cụ để báo với tổ tiên cho thím về làm dâu. Có vài ba mâm nội tộc hai bên đến mừng cho đúng thủ tục, thím đỡ tủi thân.
Hai đứa trẻ thấy bà dặn phải gọi là mẹ cứ răm rắp nghe theo, một mẹ, hai mẹ rất ngoan. Thím Hoàn cũng thấy hạnh phúc và được an ủi. Thầm khấn với người mẹ đã khuất của chúng “chị cứ yên tâm, em sẽ nuôi các con nên người”.
Hai đứa trẻ thấy bà dặn phải gọi là mẹ cứ răm rắp nghe theo, một mẹ, hai mẹ rất ngoan. Thím Hoàn cũng thấy hạnh phúc và được an ủi. Thầm khấn với người mẹ đã khuất của chúng “chị cứ yên tâm, em sẽ nuôi các con nên người”.
Thím Hoàn tôi là người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó. Ngoài công tác chi hội trưởng Hội Phụ nữ xã, thím còn làm thêm mấy sào ruộng lấy thóc ăn, chăm đàn gà đẻ, cặp trâu non thím cố chăm cho béo được vài ba tháng lại gọi khách bán lấy lời. Chả thế mà cuộc sống gia đình chú tôi từ ngày thím bước chân về trở nên sung túc, ngày nào cũng có cơm ngon canh ngọt và những tiếng cười ấm áp. Ai không biết nhìn vào chẳng thể nghĩ đây là mẹ dì với con chồng.
Cái Thơm phải cai sữa mẹ khi chưa được một tuổi. Thấy nó còi cọc nên thím thương, hàng tháng nó bổ sung sữa bột và tẩm bổ dinh dưỡng cần thiết. Thằng Thành chuẩn bị học lớp 1, thím Hoàn gửi nó học lớp bán trú ở xã bên có điều kiện tốt hơn. Ở quê mấy đứa trẻ được như chúng nó.
Thím Hoàn không nghỉ tay ngày nào, thậm chí có ốm cũng không cho phép mình nghỉ. Đã có lần thím nói với mẹ tôi: “Em mà nằm đấy thì ai làm, mệt lắm nhưng vẫn phải cố để sau này có cái vốn nuôi chúng ăn học cho bằng bạn bằng bè. Bố mẹ đã khổ rồi thì phải hướng cho chúng thoát cái cảnh chân lấm tay bùn chị ạ”. Thì ra thím còn muốn nuôi dạy chúng nên người, cho chúng học hành tử tế. Tôi thật sự nể phục thím, ở đời có mấy ai được như thím Hoàn tôi.
Thấm thoát cũng hơn chục năm trời. Bao nỗi vất vả, cố gắng của thím Hoàn đã được đền đáp. Thằng Thành và cái Thơm khôn lớn nên người, thằng Thành vừa nhận được học bổng ở trường đại học, cái Thơm đang chuẩn bị bước vào năm thứ hai. Hai đứa rất ngoan và thương mẹ, người đã sinh ra chúng một lần nữa, cho chúng cuộc đời, cho chúng đôi chân khoẻ khoắn mà vững bước.
Mấy cụ hàng xóm cứ xuýt xoa với bà tôi “nhà bà thật có phúc”. Bà tôi mãn nguyện và hài lòng vì đã chọn đúng người. Bà vui sướng nở nụ cười móm mém “ông trời thật có mắt”. Các thím tôi cảm thấy xấu hổ với những câu nói trước kia về thím Hoàn, không ai nói lại được câu nào mà chỉ biết gật gù “thím tài thật”.
Trong xã hội, đâu phải tất cả những ai là mẹ dì đều là dì ghẻ. Đâu phải khác máu thì sẽ tanh lòng, ghẻ lạnh và không có tình thương. Công sinh không bằng công dưỡng. Như thím Hoàn tôi về sau sẽ được sống trong hạnh phúc, đón nhận những niềm vui từ những thành quả mà hai đứa con không phải thím sinh ra đạt được. Cho dù chúng có đi đâu, sống trong điều kiện nào thì hình ảnh một người mẹ dì như thím Hoàn sẽ luôn khắc sâu trong tâm trí và trái tim của chúng.