Kênh Chia sẻ Tổng Hợp, Học Ngữ Văn, Soạn Văn,Viết văn... Kiến Thức Internet...( HocNguVan.Com )

Chuyện tình cổ tích của “thầy giáo viết chữ bằng miệng”

Anh luôn tâm niệm một câu nói như lẽ sống của mình: “Cuộc sống không hi vọng là cuộc sống vô nghĩa”.

Hơn 30 tuổi, anh nào dám nghĩ, dám mơ mình có thể lấy một người vợ và dựng xây tổ ấm gia đình như bao người. Nhưng như một cái duyên trời định, chị đã đến với anh, chấp nhận mọi khó khăn và gánh nặng của người vợ có chồng bị chứng teo cơ, liệt cả tay chân.
Người dân thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội vẫn hay gọi anh Phùng Văn Trường bằng cái tên trìu mến “thầy giáo viết chữ bằng miệng”. Khi chưa đầy 2 tuổi, căn bệnh teo cơ bẩm sinh đã cướp đi của anh đôi bàn tay và đôi chân khỏe mạnh. Ngày ngày làm bạn với chiếc xe lăn và đôi tay “có mà như không”, nhưng những khó khăn ấy không làm anh chùn bước.
Với ý chí, nghị lực và niềm đam mê với những con chữ, anh không chỉ viết chữ bằng miệng mà còn mở lớp luyện chữ đẹp miễn phí cho các cháu nhỏ trong thôn. Việc làm của anh khiến không ít cô gái ngưỡng mộ, thán phục, nhưng khi nhắc đến chuyện lập gia đình với anh thì họ chỉ ái ngại lắc đầu. Cho đến khi anh gặp chị…
Tỏ tình qua những bức thư viết bằng miệng
Là một người trầm lặng, hay suy nghĩ, anh hiểu hơn ai hết những khó khăn, khổ cực mà người con gái thương anh phải chịu khi chấp nhận lấy một người “không tay, không chân” như anh. Nghe người bác bảo: “Cháu lập gia đình đi!”, anh chỉ buồn rầu: “Cháu không muốn ai phải khổ vì mình nữa!”.
Nhưng rồi chị đã đến bên anh, xóa đi những mặc cảm ấy và cùng anh dựng xây hạnh phúc gia đình. Ngày ấy, chị làm công nhân lò gạch bên bờ sông Bùi. Tính tình chị hiền hậu, lại thật thà, chăm chỉ làm lụng, nên cũng có nhiều đám hỏi cưới nhưng chị chưa ưng đám nào. Nghe những người làm cùng kể nhiều câu chuyện về nghị lực của anh, chị đã rất cảm phục, yêu mến. Lại thêm người thân mai mối, cô gái lỡ thì hơn anh 5 tuổi đã đem lòng thầm thương “anh giáo” viết chữ bằng miệng.

Những lá thư anh nắn nót viết bằng miệng để bày tỏ lòng mình với “người yêu” chưa một lần gặp mặt.
Thời gian đầu, anh Trường không biết mặt chị, chỉ biết chị tên Hường. Dù rất muốn gặp gỡ, trò chuyện với chị nhưng bệnh tình không cho phép anh thực hiện được mong ước nhỏ bé của mình. Anh “đánh liều” gửi một lá thư dài hơn 3 trang giấy được anh nắn nót viết bằng miệng để bày tỏ lòng mình. Anh cũng kể cho chị nghe tình hình bệnh tật của anh và chia sẻ với chị 3 điều anh trăn trở về người phụ nữ lấy anh làm chồng sẽ phải chấp nhận.
Điều thứ nhất: “Cuộc đời tôi rất khổ, có chân, có tay nhưng không sử dụng được, em có chấp nhận được không?!”. Điều thứ hai: “Lấy vợ, lấy chồng ai cũng mong muốn có con có cái, nhưng trời có thể sẽ không cho tôi”. Điều ba thứ ba: “Không phải ai nên vợ, nên chồng là sẽ sống đến đầu bạc răng long, mà tôi lại tật bệnh thế này, gia đình chỉ có thể bền vững khi vợ tôi trước nhất là phải thương tôi, thương tôi mà trọng tôi, chứ không phải là thương hại.”
Đọc bức thư mộc mạc, chân thành của anh, chị không khỏi xúc động và càng vững tin hơn vào tình yêu và lựa chọn của mình. Thay vì người con trai chủ động đến chơi nhà, tìm hiểu người con gái, chị cảm thông với bệnh tật của anh, nên chị đã đến thăm và gặp gỡ anh trước. Như một mối lương duyên trời định, gặp anh, chứng kiến hoàn cảnh bệnh tật và nghị lực, niềm yêu sống nơi anh, chị cảm động rưng rưng nước mắt, bao nhiêu nghĩ suy, lo lắng về cuộc sống gia đình sau này dường như tan biến.
Anh Trường vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu hai người gặp gỡ: “Hôm đó cô ấy đi cùng mấy bạn nữa đến nhà tôi. Tôi không biết mặt Hường nhưng để ý thấy lúc vào nhà, một cô gái cứ nhìn mình, đôi mắt rưng rưng. Chỉ người thương mình thật lòng mới nhìn mình bằng ánh mắt ấy! Sau khi nói chuyện, biết cô gái ấy là Hường, tôi mừng lắm. Cảm giác như đã tìm được một nửa của mình vậy.”
Ươm mầm hi vọng


Chị Hường là con út trong gia đình có 5 anh em. Ban đầu, khi biết chị đem lòng yêu và muốn tính chuyện trăm năm với anh Trường, gia đình chị phản đối kịch liệt. Nhưng sau 4 tháng tìm hiểu, vượt qua mọi rào cản từ phía gia đình, anh chị đã làm lễ thành hôn vào tháng 6 năm 2012 trong niềm hân hoan của cả gia đình, làng xóm.
Ngày đưa dâu, chú rể được người thân bế từ xe hoa vào nhà gái làm lễ. Dọc đường đi, anh tủi thân, không dám nhìn mọi người đang đứng hai bên đường vì sợ bắt gặp những ánh mắt thiếu cảm thông. Nhưng khi anh nhìn cô dâu, thấy chị nhoẻn miệng cười làm anh thêm vững tâm, nghĩ về tương lai với nhiều tin tưởng.
Không lâu sau, anh chị có tin vui. Bé Phùng Thiên Trường Quảng ra đời, gia đình nhỏ lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói tiếng cười. Anh Trường như được tiếp thêm sức lực để tiếp tục chiến đấu với căn bệnh teo cơ quái ác. Anh luôn tâm niệm một câu nói như lẽ sống của mình: “Cuộc sống không hi vọng là cuộc sống vô nghĩa”. Với anh, bé Trường Quảng là niềm hi vọng, là mầm sống để anh gửi gắm những ước mơ, hoài bão của cuộc đời mình.
Hiện tại, gia đình anh Trường với khoản thu nhập 700 nghìn/tháng từ tiền chế độ và đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh cũng chỉ đủ tiền sữa cho con. Anh tâm sự: “Nuôi dạy con thành người sẽ còn nhiều vất vả. Nhưng chừng nào mình còn làm được thì mình còn cố hết sức để con được ăn học đủ đầy”.
Chuyện tình cổ tích của “thầy giáo viết chữ bằng miệng” Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown